Giữ vững tôn chỉ, mục đích trợ giúp phụ nữ nghèo, dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, không vì mục đích lợi nhuận
Đời sống - Ngày đăng : 09:07, 04/12/2020
Bà Bùi Thị Kim Thư, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Giám đốc Quỹ Cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế tỉnh Đắk Nông |
PV: Xin bà cho biết, thời gian qua, Quỹ Cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế trên địa bàn tỉnh hoạt động như thế nào?
Bà Bùi Thị Kim Thư: Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Quỹ Cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế tỉnh hoạt động ổn định, giữ vững tôn chỉ, mục đích là trợ giúp phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo, dân tộc thiểu số phát triển kinh tế và phát triển cộng đồng không vì mục đích lợi nhuận.
Đến thời điểm này, Quỹ Cơ hội đang hoạt động với quy mô 205 nhóm tiết kiệm-tín dụng, thu hút 3.486 hội viên tham gia. Lũy kế giải ngân tính đến 31/10/2020 trên 186 tỷ đồng, dư nợ 37 tỷ đồng. Nguồn vốn của quỹ được triển khai trên địa bàn 23 xã thuộc 5 huyện Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Glong, Đắk R’lấp và Krông Nô.
Dự kiến, quỹ sẽ mở rộng phạm vi hoạt động thêm một số xã của các huyện trên nhằm đáp ứng nguồn vốn cho hội viên có nhu cầu vay phát triển kinh tế hộ gia đình. Qua nhiều năm triển khai thực hiện, quỹ được đánh giá là một trong những tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
PV: Như bà đã nói, mục đích của quỹ là trợ giúp phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo, dân tộc thiểu số, vậy cụ thể là như thế nào, thưa bà?
Bà Bùi Thị Kim Thư: Sứ mệnh của quỹ chính là trợ giúp phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo, dân tộc thiểu số phát triển kinh tế và thực hiện vấn đề an sinh xã hội với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Vì thế, quỹ luôn có chính sách hỗ trợ và ưu tiên đặc biệt đối với những đối tượng nêu trên về chính sách vay vốn, gia hạn nợ, xóa nợ cho những hộ gia đình nghèo gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Ngoài ra, quỹ quan tâm đến việc chăm lo, giúp đỡ phụ nữ nghèo bằng nhiều cách như hỗ trợ tiền mặt, con giống để phát triển kinh tế.
Cũng nhờ có nguồn quỹ này, nhiều hội viên, phụ nữ đã có thêm vốn để đầu tư sản xuất, tăng thu nhập, thoát nghèo, cải thiện đời sống gia đình, tích cực tham gia phong trào, hoạt động hội, nhất là góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương.
PV: Được biết, hoạt động của quỹ vẫn còn những hạn chế nhất định, vậy Ban Giám đốc quỹ có giải pháp gì để khắc phục cũng như tiếp tục phát huy hiệu quả?
Bà Bùi Thị Kim Thư: Khó khăn, hạn chế dễ dàng nhận thấy nhất của quỹ nói riêng và các tổ chức tín dụng thương mại nói chung hiện nay đó là nợ quá hạn. Bởi, đối tượng tiếp cận vốn của Quỹ Cơ hội chủ yếu là phụ nữ nghèo, cận nghèo và dân tộc thiểu số. Các địa bàn thụ hưởng cũng đa phần là xã nghèo của tỉnh.
Chị em chủ yếu phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nhưng những năm gần đây giá cả các mặt hàng nông sản xuống thấp, mất mùa, dịch bệnh kéo dài, dẫn đến đời sống của gia đình thành viên vay vốn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, một số nhóm tín dụng tiết kiệm hoạt động chưa hiệu quả; một số nhóm trưởng thì chiếm dụng vốn và bỏ đi khỏi địa phương; một số thành viên gặp khó khăn về kinh tế, bỏ trốn đi nơi khác làm ăn…
Đứng trước thực tế đó, đối với nợ quá hạn, các điểm giao dịch đã tăng cường các biện pháp, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương để vận động, thuyết phục thu hồi nợ, nhất là đối với các đối tượng cố tình chây ì, không hợp tác trả nợ.
Bên cạnh đó, quỹ ban hành nhiều chính sách để tạo điều kiện cho thành viên như gia hạn nợ, khoanh nợ và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp hội viên, phụ nữ yên tâm về hoạt động cho vay của quỹ.
Đối với việc các thành viên vay vốn mà bỏ đi nơi khác làm ăn và các nhóm trưởng chiếm dụng vốn, các cấp hội, các điểm giao dịch tiếp tục phối hợp với chính quyền, công an cùng cấp để xác minh, liên lạc thu hồi nợ…
Các điểm giao dịch tiếp tục xem xét, sàng lọc, kiện toàn củng cố các nhóm tín dụng-tiết kiệm với phương châm “làm tới đâu chắc tới đó”, tránh ồ ạt, dàn trải, kém hiệu quả…
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!