Gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở Đắk Nia
Đời sống - Ngày đăng : 09:13, 12/04/2021
Hiện nay, xã Đắk Nia đang tập hợp 8 chị em là các nghệ nhân, thợ có tay nghề cao vào tổ hợp tác dệt thổ cẩm. Để nâng cao tay nghề và bảo đảm hoạt động được ổn định, xã tổ chức dạy nghề dệt thổ cẩm cho 30 người và tổ chức quảng bá, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhờ vậy, chị em có thêm thu nhập từ dệt thổ cẩm dao động khoảng 2-4 triệu đồng/người/tháng.
Du khách đến tham quan, trải nghiệm tại tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đắk Nia |
Chị H’ Giang, thành viên tổ hợp tác dệt thổ cẩm cho biết, chị biết dệt thổ cẩm từ khi mới lên 10 tuổi. Trước đây, bà con dệt váy, áo, khố và các vật dụng như túi xách, khăn… chủ yếu phục vụ trong gia đình. Hiện nay, ngoài việc phục vụ đời sống, sản phẩm thổ cẩm đã có đơn đặt hàng trong và ngoài tỉnh. Mặc dù công việc chưa thường xuyên, nhưng nghề dệt thổ cẩm đã giúp chị có thêm việc làm, tăng thu nhập cho gia đình.
Tương tự, chị H’Dột cũng đã có nhiều năm theo nghề dệt thổ cẩm. Theo chị, sản phẩm thổ cẩm hiện nay ngày càng được cách tân, đổi mới. Vì thế, bên cạnh dệt những hoa văn truyền thống của dân tộc M’nông, Mạ, các thành viên trong tổ hợp tác còn học tập dệt các hoa văn của các dân tộc khác.
Nghệ nhân dệt phải sáng tạo, cách tân trong hoa văn, họa tiết để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Các sản phẩm như khăn, áo dài, váy, nón, vòng đeo tay… đều phải được thiết kế và dệt hoa văn theo thiết kế. "Trước đây, chúng tôi thường tranh thủ lúc nông nhàn dệt thổ cẩm, nhưng ngày nay phải bố trí thời gian dệt hẳn hoi mới đáp ứng được yêu cầu của khách hàng", chị H'Dột chia sẻ.
Nghệ nhân H’Bình, Tổ trưởng tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đắk Nia cho biết: Khó khăn lớn nhất của bà con trong việc phát huy nghề dệt thổ cẩm là đầu ra của sản phẩm. Thời gian qua, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thường xuyên quan tâm, ủng hộ, triển khai nhiều giải pháp để lưu giữ nghề và giới thiệu, quảng bá sản phẩm nên số lượng khách hàng biết đến sản phẩm dệt của tổ hợp tác tương đối nhiều.
Nhiều khách hàng ở các tỉnh như Lâm Đồng, Đà Nẵng, các cơ sở may mặc, thời trang đã tìm đến tổ hợp tác đặt hàng. Ngoài ra, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, một số đơn vị cũng muốn liên kết với tổ hợp tác đưa sản phẩm dệt thổ cẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Ngoài việc dệt bằng len, tổ hợp tác tìm hiểu và áp dụng kỹ thuật dệt bằng tơ để sản phẩm mềm mại, thông dụng và thời trang hơn. Hiện nay, Sở Lao động- Thương binh- Xã hội đang phối hợp với UBND thành phố Gia Nghĩa triển khai kế hoạch tổ chức 1 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho bà con địa phương và 1 lớp nâng cao kỹ thuật dệt thổ cẩm. "Chúng tôi hy vọng sẽ được nâng cao tay nghề và tiếp cận được các kỹ thuật tiên tiến, qua đó đưa những giá trị tốt đẹp, quý báu của nghề thổ cẩm vươn xa hơn", nghệ nhân H’Bình cho biết.
Theo ông Trần Đình Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã Đắk Nia, dệt thổ cẩm là nghề truyền thống vốn quý của đồng bào M’nông, Mạ ở Đắk Nia. Địa phương đã và đang đẩy mạnh việc kết hợp dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch, hướng tới tổ chức chuyên nghiệp để bà con sống được với nghề.
Nhiều năm nay, sản phẩm thổ cẩm của bà con được trưng bày, giới thiệu tại nhà truyền thống làng nghề Đắk Nia, các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Trên địa bàn xã có thác Liêng Nung, một thắng cảnh đẹp và khu làng nghề truyền thống để du khách đến tham quan, trải nghiệm. Mặc dù đầu ra của sản phẩm còn khó khăn, nhưng với sự tâm huyết của các nghệ nhân và sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chức năng nên nghề dệt thổ cẩm đã và đang tạo ra giá trị không chỉ đối với truyền thống văn hóa mà còn tạo thu nhập đáng kể cho bà con địa phương.
Ông Tuấn cho biết: "Với những giải pháp đang được triển khai, địa phương hy vọng nghề dệt thổ cẩm sẽ ngày càng góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên trong tổ hợp tác và thu hút nhiều người tham gia với nghề này hơn".