Quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đời sống - Ngày đăng : 08:55, 15/04/2021
Trong giai đoạn năm 2016-2020, từ nguồn vốn ngân sách, huy động người dân đóng góp, với kinh phí hàng trăm tỷ đồng, các địa phương đã triển khai xây dựng 63 công trình đường giao thông nông thôn, 11 trường học, 14 nhà văn hóa cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS ở các địa bàn còn khó khăn.
Những tuyến đường giao thông được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện cho người dân vùng sâu vùng xa đi lại thuận tiện, phát triển sản xuất |
Điển hình, tuyến đường tại xã Quảng Phú (Krông Nô) được đầu tư 1,7 tỷ đồng để xây dựng đã giúp cho người dân nơi đây đi lại sản xuất, vận chuyển nông sản, trao đổi buôn bán. thuận tiện.
Chị Lò Thị Dư, một người dân ở xã Quảng Phú cho biết: “Ngày trước, khi tuyến đường chưa được đầu tư xây dựng, người dân đi lại vất vả, gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển nông sản trong mùa thu hoạch. Kể từ khi con đường được đầu tư làm mới, người dân đi lại để sản xuất, chăm sóc cây trồng thuận lợi hơn. Các sản phẩm nông sản bán được giá hơn, không còn bị tư thương lấy lý do đường xấu, tiêu tốn nhiều nhiên liệu nên hạ giá”.
Tương tự, những công trình trường học được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các vùng đồng bào DTTS. Đơn cử, tổ hợp công trình đường giao thông nông thôn và 4 phòng học mẫu giáo tại vùng định canh định cư thuộc xã Đắk R’la (Đắk Mil) có tổng mức đầu tư trên 8,2 tỷ đồng được đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng giáo dục tại vùng đặc biệt khó khăn này.
Chị H’Ơi ở xã Đắk R’la cho hay: “Có đường mới, người dân ở đây phấn chấn tinh thần, đi lại làm ăn thuận tiện hơn so với trước đây. Không chỉ vậy, các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày cũng dễ dàng mua, vì có người mang vào tận nơi. Đặc biệt, các cháu nhỏ có trường mới, có nơi vui chơi thoải mái nên phụ huynh cũng yên tâm hơn, có thời gian làm vườn rẫy, phát triển kinh tế”.
Hệ thống trường học được xây mới, nâng cao chất lượng giáo dục tại các vùng đồng bào DTTS |
Bên cạnh đó, khi có nhà văn hóa thôn, bon, đồng bào có nơi sinh hoạt, hội họp, luyện tập thể dục, thể thao, giúp trẻ em có nơi vui chơi lành mạnh.
Với việc quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, các địa phương có thêm động lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Bà con nâng cao nhận thức, tìm hiểu khoa học kỹ thuật, học hỏi các mô hình trồng trọt, chăn nuôi ở các địa phương khác để áp dụng vào sản xuất, nâng cao đời sống. Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, đem lại thu nhập đáng kể cho đồng bào, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, động viên nhau nỗ lực vươn lên.
Trong những năm tới, với sự hỗ trợ nguồn kinh phí của Trung ương, ngân sách địa phương và huy động sự đóng góp của người dân, tỉnh tiếp tục xây dựng đồng bộ hạ tầng tại các địa phương còn khó khăn, giúp đồng bào DTTS nâng cao chất lượng cuộc sống.