Thực trạng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung (kỳ 2): Khó khăn khi "làm lại"

Đời sống - Ngày đăng : 08:58, 26/05/2021

Tái thiết, phát huy hiệu quả các công trình cấp nước tập trung sẽ góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn. Thế nhưng, điều này lại đang gặp rất nhiều khó khăn, cần sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.

Chưa đáp ứng được nhu cầu

Công trình cấp nước tập trung bon Sar Pa, xã Thuận An (Đắk Mil) mặc dù đang hoạt động nhưng nhiều thời điểm không bảo đảm đủ lượng nước cho các hộ dân sử dụng, chất lượng nước kém.

Máy bơm công trình cấp nước bon Bù Zấp, xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp) hư hỏng từ lâu

Gia đình ông Y Brât, bon Sar Pa, có 4 thành viên. Trái ngược với các hộ dân khác, gia đình ông may mắn hơn vì lâu nay công trình cấp nước sinh hoạt của bon thường xuyên cung cấp đủ nguồn nước sinh hoạt hằng ngày. Mọi sinh hoạt của gia đình ông từ ăn uống, vệ sinh đều bảo đảm tốt hơn.

Không phải gia đình nào cũng may mắn như gia đình ông Y Brât. Chẳng hạn, gia đình chị H’Nghĩa, dù ở trong bon Sar Pa, nhưng  do ở xa công trình cấp nước tập trung nên phải sử dụng nước giếng khoan. Vào mùa khô, chị phải sử dụng nước tiết kiệm, nhưng nhiều thời điểm vẫn không đủ nước sinh hoạt.

Chị H'Nghĩa mong muốn công trình cấp nước sinh hoạt được mở rộng quy mô để phục vụ người dân nhiều hơn.
Cũng ở huyện Đắk Mil, công trình cấp nước bon Bù Đắk 1, (xã Đức Minh) hoạt động chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân khiến hàng trăm hộ dân lân cận đang thiếu nước sạch.

Gia đình chị H'Nghĩa, bon Sar Pa, xã Thuận An (Đắk Mil), mong muốn sớm được sử dụng nước sạch

Qua rà soát của cơ quan chức năng, nhiều công trình cấp nước hiện nay quy mô hoạt động còn hạn hẹp, chỉ phục vụ được tầm 50 hộ dân. Trong khi hầu hết người dân nông thôn đều có nhu cầu sử dụng nước hợp vệ sinh từ các công trình cấp nước tập trung.

Ví dụ như công trình cấp nước ở thôn 4, xã Thuận Hà (Đắk Song), chỉ đáp ứng được 50 hộ dân/128 hộ có nhu cầu. Hay công trình cấp nước tại thôn Ninh Giang, xã Buôn Choáh (Krông Nô), chỉ đáp ứng được 28 hộ/100 hộ lân cận có nhu cầu. Còn công trình cấp nước ở thôn Bằng Sơn, xã Ea Pô (Cư Jút), hiện đã ngưng hoạt động, trong khi đó, 700 hộ dân đang thiếu nước sạch sinh hoạt.

Nhiều việc cần làm

Tháng 3/2021, UBND tỉnh Đắk Nông đã giao 92 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông (gọi tắt là Công ty thủy lợi) quản lý, vận hành. Việc làm này nhằm khắc phục những hạn chế lâu nay trong quản lý, vận hành các công trình cấp nước tập trung.

Sau khi tiếp nhận, Công ty thủy lợi đã nhanh chóng thực hiện việc rà soát, kiểm tra, đánh giá lại hiện trạng các công trình cấp nước trên toàn tỉnh. Thế nhưng, theo lãnh đạo Công ty thủy lợi, đơn vị đang gặp không ít khó khăn trong việc bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng các công trình.

Nhiều công trình cấp nước hiện nay đang thiếu hồ sơ quản lý. Ảnh: Công trình cấp nước tập trung bon Sa Ú Dru, xã Quảng Khê (Đắk Glong)

Theo quy định, kinh phí sử dụng cho thủy lợi không thể chi cho công việc khác. Trong khi đó, qua khảo sát, các công trình cấp nước đang hoạt động đều cần được bảo dưỡng, sửa chữa các hạng mục như máy bơm nước, bồn chứa, đồng hồ, hệ thống lọc nước...

Nguồn kinh phí để sửa chữa, thay thế cấp bách dự kiến khoảng 6,7 tỷ đồng. Hiện Công ty thủy lợi đang đề xuất UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí này.

Ngoài kinh phí, nhiều vấn đề liên quan rất cần sự chung tay của các cấp, ngành để đưa các công trình cấp nước phát huy hiệu quả. Trong đó, cốt lõi nhất là việc xây dựng giá nước sinh hoạt, nước sạch theo từng địa bàn.

Đây là căn cứ để thực hiện thủ tục xuất hóa đơn thu tiền nước và nộp thuế, phí theo quy định. Công việc này đòi hỏi khá nhiều thời gian, công sức. Theo ông Nguyễn Thừa Anh, Giám đốc Công ty thủy lợi, công việc này đơn vị phải thực hiện lại từ đầu, với khối lượng lớn, nên cần nhiều thời gian mới hoàn thành.

Cũng theo ông Nguyễn Thừa Anh, hồ sơ pháp lý liên quan đến các công trình cấp nước hiện không có hoặc có nhưng không đầy đủ đã gây khó cho đơn vị trong khâu quản lý. Đơn vị không có cơ sở để xác định cụ thể hạng mục, ranh giới, phạm vi đất công trình, nhất là sơ đồ tuyến đường ống cấp nước.

Công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ công trình cấp nước là nhiệm vụ lớn, không riêng gì của Công ty thủy lợi. Do đó, đơn vị rất cần sự phối hợp có hiệu quả từ các cấp, ngành, chủ đầu tư để khắc phục những vấn đề nói trên.

Hồng Thoan