Cần thực hiện đúng "ai ở đâu ở đấy"
Đời sống - Ngày đăng : 09:11, 03/08/2021
Tạo điều kiện cho đợt cuối cùng
Chiều 1/8, ông Đào Kim Nghiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp cho biết, sau Công điện số 1063/CĐ-TTg về phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ, trong đêm 31/7 đến rạng sáng 1/8, đoàn người từ các tỉnh phía Nam tiếp tục trở về Tây Nguyên.
Lực lượng CSGT phụ trách việc dẫn các đoàn công dân đi qua tỉnh Đắk Nông |
Đến khoảng 15 giờ ngày 1/8, khoảng 6.000 người, gấp gần 3 lần so với ngày thường đã tập trung về Chốt kiểm soát dịch xã Đắk Ru để bắt đầu vào tỉnh Đắk Nông.
“Chúng tôi cho rằng đây có thể đợt người cuối cùng đi xe máy về quê. Phía Bình Phước đã có trao đổi với Chốt kiểm soát dịch xã Đắk Ru, số người trở về có thể lên đến 3.000 lượt xe, tương đương với khoảng 6.000 người. Đoàn người có thể kéo dài hàng km trên quốc lộ 14”, ông Nghiệp thông tin.
Ngay sau khi nhận tin từ cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước, tỉnh Đắk Nông đã tăng cường tối đa lực lượng kiểm tra y tế, phân luồng giao thông ở Chốt kiểm dịch xã Đắk Ru, nhất là lực lượng kiểm dịch tăng gấp đôi, lên tới 40 người.
Ông Nghiệp thông tin thêm, chiều 1/8, khi đón đoàn, lực lượng làm nhiệm vụ tổ chức phân loại thành 2 nhóm về Đắk Nông và đi qua Đắk Nông. Lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) được phân công về tăng cường cho chốt để hỗ trợ đoàn người từ Bình Phước về.
Nhóm về Đắk Nông được tổ chức lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại chốt và điều xe dẫn đoàn về từng huyện, thành phố sau đó tiến hành cách ly tập trung. Trong khi nhóm đi qua Đắk Nông cũng được dẫn đầu và khóa đuôi bởi xe CSGT để tránh trường hợp các xe này dừng đỗ, di chuyển tự do trái quy định.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đắk Nông, trong chiều cùng ngày, các địa phương có quốc lộ 14 đi qua đều bố trí lực lượng chốt chặn tại các đường nhánh, ngã ba, ngã tư để nhắc nhở người dân chỉ được lưu thông một chiều, trên một tuyến đường. Nhiều nhà hảo tâm gửi đến Chốt kiểm soát dịch xã Đắk Ru, Chốt kiểm soát dịch TP. Gia Nghĩa (cầu Đắk R’tíh)… nước uống, đồ ăn và áo mưa để tiếp sức cho người dân về quê.
Ông Đỗ Tấn Sương, Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa cho biết, ngay sau khi có Công điện số 1063/CĐ-TTg về phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã lên phương án, kịch bản để đón số lượng lớn người dân từ các tỉnh phía Nam trở về khi cho phép.
Ngoài 4 khu cách ly đã có sẵn, thành phố đã thành lập thêm khu cách ly mới tại Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (phường Nghĩa Tân) với số lượng 180 giường. Khi cần thiết, khu cách ly mới có thể đáp ứng được 250 người vào cách ly.
“Chiều ngày 1/8, thành phố đã huy động khoảng 120 người để hỗ trợ đón công dân trở về địa phương. Tất cả người dân trở về sẽ lập tức về khu cách ly tập trung để chờ kết quả xét nghiệm PCR. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính mới được trở về nhà tự cách ly”, ông Sương nói.
Để "ai ở đâu ở đấy"
Có thể nói, liên tiếp trong những ngày qua, một lượng lớn người dân từ các tỉnh vùng dịch phía Nam, nhất là ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai ồ ạt trở về quê bằng phương tiện xe máy. Với nghĩa tình đồng bào, hầu hết các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung đều sẵn sàng dang tay đón nhận, giúp đỡ, tạo điều kiện về nhiều mặt để bà con được về quê nhà.
Tuy nhiên, làn sóng người dân "hồi hương" bất đắc dĩ này đã gây nên áp lực rất lớn cho các tỉnh, nhất là làm lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng. Vì vậy, ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện khẩn số 1063/CĐ-TTg, với việc yêu cầu các tỉnh, thành vùng dịch phía Nam không được để người dân tự ý rời khỏi nơi cư trú, với phương châm là "ở đâu yên đấy" và phải có biện pháp giúp đỡ bà con khó khăn trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16.
Do đó, việc tỉnh Đắk Nông tạo điều kiện đón số lượng công dân về địa phương hoặc đi ngang địa bàn tỉnh lần này chỉ là lần cuối cùng, trong tình thế chẳng đặng đừng. Thế nhưng, để tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng được phát huy hiệu quả, các cơ quan chức năng cần sớm tham mưu cho tỉnh có giải pháp phối hợp với các tỉnh bạn rà soát số lượng, hoàn cảnh công dân hiện đang sinh sống, làm việc tại vùng tâm dịch và có biện pháp giúp đỡ ngay tại chỗ để bà con yên tâm ở lại qua giai đoạn dịch.
Thiết nghĩ, bằng cách làm này thì có lẽ thiết thực, hiệu quả hơn so với việc tổ chức đưa đón một số lượng lớn người dân trở về địa phương, không gây xáo trộn về nhiều mặt mà vẫn thể hiện được nghĩa tình đồng bào đối với những người con xa quê hương.