Không ai bị bỏ lại phía sau!
Đời sống - Ngày đăng : 09:13, 03/09/2021
Đón người về từ vùng dịch
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, từ cuối tháng 7, TP. HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam siết chặt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều lao động không thể bám trụ lại ở thành phố, các khu công nghiệp, lần lượt đưa nhau về quê để tránh dịch. Thế nhưng, vẫn còn hàng ngàn người dân của tỉnh Đắk Nông mắc kẹt lại, trong số này có rất nhiều người là đối tượng yếu thế.
Cán bộ y tế thực hiện test nhanh cho các công dân được đón về từ TP.HCM |
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, UBND tỉnh Đắk Nông đã xây dựng phương án tổ chức đưa đón công dân từ TP. HCM trở về tỉnh. Những chuyến xe ân tình được thực hiện là tình cảm, trách nhiệm của các cấp chính quyền, người dân Đắk Nông dành cho những người con xa quê trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng.
Chị Trịnh Thị Phương (SN 1999, trú xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp) là 1 trong số hơn 200 công dân được tỉnh Đắk Nông đón về từ TP. HCM trong đợt đầu tiên. Chị Phương đang mang thai ở tuần thứ 37, lại phải nghỉ việc do dịch Covid-19 nên thuộc đối tượng ưu tiên số 1 do tỉnh Đắk Nông quy định.
Chị Phương cho biết, hơn 2 tháng qua, cả hai vợ chồng đều không có việc. Bản thân chị nghỉ làm công ty, còn chồng cũng đóng cửa tiệm cắt tóc nên phải đi ở nhờ nhà một người bạn. Số tiền hai vợ chồng tích góp để sinh con cũng dùng gần hết, nên mong mỏi duy nhất là được về lại Đắk Nông trước ngày sinh.
“Dịch bệnh phức tạp quá, hai vợ chồng tôi đăng ký để về quê sinh em bé. Phương án đón công dân được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt, tôi được ưu tiên đón về trước. Nhưng điều đó đã là may mắn rồi, hy vọng trong những đợt đón công dân tiếp theo, chồng tôi sẽ được đón về”, chị Phương nghẹn ngào.
Tương tự, Phạm Minh Trung (SN 1999, trú xã Đắk R’tíh, huyện Tuy Đức) được trở về tỉnh sau nhiều ngày chờ đợi. Bản thân Trung bị khiếm thị bẩm sinh, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày phải nhờ người quen giúp đỡ nên được đưa đón về, không chỉ là niềm vui với riêng Trung mà còn là của cả gia đình.
Trung tâm sự: “Em vừa học xong năm 2 đại học, nếu không có dịch thì em đã bắt xe trở về quê. Thế nhưng, đến khi dịch bệnh phức tạp, các chuyến xe khách đều tạm dừng, em phải ở lại thành phố. Cuộc sống rất khó khăn vì phải nhờ sự giúp đỡ của người khác. Em muốn trở về quê, để được gần bố mẹ, vừa bớt đi gánh nặng cho người khác. Thực sự, khi được đón về, em đã được hỗ trợ rất nhiều, cảm thấy vô cùng hạnh phúc và ấm áp”.
Ông Nguyễn Thế Lý tìm hiểu các thông tin liên quan đến Nghị quyết 68 của Chính phủ |
Tập trung hỗ trợ người khó khăn
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống của người dân. Đặc biệt, lao động tự do, người không có việc làm ổn định là đối tượng chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Đắk Nông.
Triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1261/QĐ-UBND về việc thực hiện chính sách hỗ trợ lao động tự do.
Dự kiến, tỉnh Đắk Nông sẽ dành khoảng 22 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ hơn 14.000 lao động tự do trên địa bàn. Với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần, đây được coi là nguồn động viên, hỗ trợ kịp thời để người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Ông Nguyễn Thế Lý (tạm trú phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa) chạy xe ôm phấn khởi cho biết: “Bản thân tôi sống đơn độc, chỉ dựa vào tiền chạy xe ôm nên những ngày tháng qua phải rất khó khăn để duy trì cuộc sống. Lần thứ 2 được nhận hỗ trợ từ chính quyền (lần đầu năm 2020), tôi thấy rất vui và cảm kích. Số tiền thực sự ý nghĩa và quý giá dành cho lao động nghèo như chúng tôi”.
Cũng thuộc diện đối tượng lao động khó khăn, bà L.T. B (người thu gom phế liệu tại phường Nghĩa Đức) được dự kiến nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng. Bà B xúc động cho biết, do không ăn uống, sinh hoạt cùng các con nên mọi chi tiêu của bà đều dựa vào nguồn thu nhập từ nhặt nhạnh phế liệu. Thực hiện giãn cách xã hội, hàng quán đóng cửa, bà phải ở nhà. Cuộc sống vốn dĩ lo ăn từng bữa, nay càng khó khăn do công việc không ổn định.
“Tôi mừng vì trong thời buổi khó khăn, dịch giã, Đảng và Nhà nước vẫn dành sự quan tâm đến người nghèo như chúng tôi. Số tiền hỗ trợ kịp thời chẳng khác nào "cơn mưa rào đi qua ngày nắng hạn" dành cho lao động tự do”, bà B tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Vân trao tặng quà tới các hoàn cảnh khó khăn trong thời gian TP. Gia Nghĩa thực hiện Chỉ thị 16 |
Cộng đồng chung tay
Không chỉ có sự vào cuộc của chính quyền các cấp, mà trong thời gian qua, rất nhiều cá nhân, tổ chức đã cùng chung tay để chăm lo cho người khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, khi một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, những phần quà là nhu yếu phẩm, tiền mặt đã được các nhà hảo tâm trao tận tay cho người nghèo, góp phần lan tỏa tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” của Đảng và Nhà nước.
Điển hình như chị Nguyễn Thị Vân, thành viên của CLB "Vòng tay nhân ái Đắk Nông" và bạn bè đã huy động hàng chục triệu đồng, cùng nhiều rau, củ, quả và nhu yếu phẩm để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.
14 ngày TP. Gia Nghĩa thực hiện giãn cách xã hội, cũng là thời gian chị Vân cùng các thành viên trong nhóm phân công nhau đi trao từng bịch rau, bao gạo cho những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Đối với nhiều người, phần quà có thể không lớn về vật chất, nhưng đó là cách mà những người dân bình thường như chị Vân góp một phần nhỏ vào cuộc chiến chống Covid-19 của cả nước.
Chị Vân tâm sự: “Chứng kiến những lao động nghèo phải chạy ăn từng bữa trong mùa dịch, chúng tôi rất xót xa và đồng cảm. Mỗi ngày, chúng tôi đều gửi tặng bà con những phần rau, gạo và đồ dùng miễn phí. Đón nhận nụ cười hạnh phúc, thậm chí là giọt nước mắt cảm ơn của bà con nghèo, chúng tôi hiểu rằng đã làm được một điều có ích cho xã hội”.