Tuy Đức quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa
Đời sống - Ngày đăng : 08:44, 30/11/2021
Bán bò mua chiêng
Trước đây, nhiều gia đình ở trong bon Bu N’drung, xã Đắk Búk So do cuộc sống khó khăn nên đã mang cồng chiêng đi bán lấy tiền mua lương thực, khiến bà con day dứt, tiếc nuối. Năm 2012, huyện tổ chức dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ, bon phải đi mượn chiêng ở các bon khác để về học.
Chính từ việc này, ông Điểu M’rớt ở bon Bu N’drung đã nung nấu ý định mua chiêng để giúp bà con gìn giữ văn hóa cồng chiêng của người M’nông. Sau khi bàn bạc và nói rõ ý định của mình với các thành viên trong gia đình, ông đã bán bớt 1 con bò đực lớn và mua bộ chiêng có tên Meprak gồm 6 chiếc với giá gần 20 triệu đồng.
Ông Điểu M’rớt còn đến từng nhà vận động bà con tập trung về nhà văn hóa cộng đồng bon học đánh chiêng, múa truyền thống. Đàn ông tham gia đánh chiêng, phụ nữ múa xoang. Ông còn tỉ mỉ hướng dẫn từng bài chiêng truyền thống cho thế hệ trung niên và thành lập đội chiêng để biểu diễn mỗi khi bon có sự kiện quan trọng.
Ông Điểu M’rớt cho biết: “So với bà con trong bon, gia đình tôi cũng chẳng giàu có gì nhưng nghĩ mua bộ chiêng là mua giá trị tinh thần để sau này con cháu còn nhớ đến nguồn gốc của tổ tiên khi đánh chiêng trong lễ hội. Cái gì cũng thế, mình mượn được một vài lần còn được, chứ hết lần này qua lần khác xấu hổ lắm”.
Văn hóa cồng chiêng được bảo tồn tốt tại huyện Tuy Đức. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021) |
Tương tự, gia đình ông Điểu Khôn ở bon Phi Lơ te 1, xã Đắk Ngo hiện đang có 2 bộ chiêng mà ông bà để lại và được cất giữ cẩn thận. Mỗi khi bon làng có việc gì quan trọng, ông đều mang 2 bộ chiêng này ra cho mượn để diễn tấu.
Ông Điểu Khôn cho biết: “Lúc gia đình khó khăn, rất cần tiền, tôi chấp nhận vay ngân hàng, vay bà con để xoay xở chứ không bao giờ bán chiêng mặc dù lúc đó có người trả giá 30 triệu đồng. Bộ chiêng này là của ông tôi để lại cho đến nay, sau này tôi sẽ để lại cho con cháu, chứ không bán. Bán chiêng là bán văn hóa, bán kỷ niệm đấy”.
Gìn giữ văn hóa truyền thống
Huyện Tuy Đức hiện có 25 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc tại chỗ chiếm 60% dân số. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được Đảng bộ và chính quyền huyện quan tâm, qua đó nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào được khôi phục.
Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và đồng bào nhận thức một cách sâu sắc về trách nhiệm gìn giữ, phát huy văn hóa cồng chiêng, huyện còn tổ chức phục dựng các nghi lễ, lễ hội gắn liền với diễn tấu cồng chiêng như Lễ mừng lúa mới, Lễ sum họp cộng đồng, Lễ phát rẫy…
Thực tế cho thấy, đa phần những người biết diễn tấu cồng chiêng là người cao tuổi, do vậy để có thể lưu giữ nét văn hóa truyền thống quý báu này, lớp trẻ cần phải được truyền dạy lại. Từ đây, nhiều lớp truyền dạy đánh cồng chiêng đã được triển khai một cách bài bản trên địa bàn các xã trong huyện. Ở những bon làng có đội cồng chiêng, các nghệ nhân, nhất là những nghệ nhân giàu kinh nghiệm và uy tín là người trực tiếp truyền dạy cho lớp trẻ.
Tính đến nay, trên địa bàn huyện Tuy Đức có hơn 57 bộ chiêng, 12 câu lạc bộ, đội, nhóm cồng chiêng, 1 nghệ nhân chỉnh chiêng, 23 nghệ nhân truyền dạy đánh chiêng, hơn 100 nghệ nhân biết diễn tấu cồng chiêng.
Tại một số bon làng, bà con vẫn duy trì việc tổ chức đánh chiêng khi có dịp như mừng nhà mới, cơm mới, tại các dịp lễ lớn, tiêu biểu như bon Điêng Đu (xã Đắk Ngo), bon Bu Kóh (xã Đắk R’tíh), bon Ja Lú A (xã Quảng Tân)...