Phát huy tối đa tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm, tri thức của người cao tuổi
Đời sống - Ngày đăng : 08:35, 23/12/2021
Giai đoạn 2022-2025, 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; ít nhất 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe. Ảnh minh họa |
Chương trình nhằm tăng cường sức khỏe về thể chất và tinh thần, phòng chống ngược đãi người cao tuổi; nâng cao chất lượng mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, khám, chữa bệnh và quản lý các bệnh mãn tính cho người cao tuổi; xây dựng môi trường thuận lợi để người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi, giải trí;...
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022-2025, 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; ít nhất 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% người cao tuổi khi ốm đau, dịch bệnh được khám chữa bệnh và được hưởng sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng.
Hàng năm, ít nhất 80% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới nhiều hình thức khác nhau; 70% người cao tuổi khuyết tật được sàng lọc, phát hiện các dạng khuyết tật và được can thiệp, phục hồi chức năng; 10.000 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có người phụng dưỡng được chăm sóc, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng và cơ sở trợ giúp xã hội;...
Chương trình với 12 nhiệm vụ và giải pháp gồm: 1- Trợ giúp y tế, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; 2- Phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ chăm sóc, phục hồi chức năng đối với người cao tuổi; 3- Trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, nhà ở cho người cao tuổi; 4- Trợ giúp người cao tuổi tham gia hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; 5- Phát huy vai trò người cao tuổi; 6- Trợ giúp người cao tuổi sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông; 7- Trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi; 8- Phòng chống dịch bệnh, giảm nhẹ thiên tai đối với người cao tuổi; 9- Nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức và cộng tác viên làm công tác trợ giúp người cao tuổi; 10- Tăng cường truyền thông, hợp tác quốc tế về người cao tuổi và vấn đề già hóa dân số; 11- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá; cơ sở dữ liệu về người cao tuổi; 12- Hỗ trợ hoạt động đối với tổ chức của người cao tuổi.
Trong đó, triển khai kịp thời chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám sức khỏe định kỳ, lập sổ quản lý theo dõi sức khỏe người cao tuổi ở y tế tuyến xã, ưu tiên nhóm người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên và từng bước mở rộng đến nhóm từ 65 tuổi trở lên; thực hiện khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi không có điều kiện đến cơ sở khám chữa bệnh.
Hỗ trợ thí điểm mô hình chăm sóc dài hạn đối với người cao tuổi; mô hình nhà xã hội an toàn cộng đồng cho người cao tuổi độc thân, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa; thực hiện thí điểm ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần đối với khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.
Hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập và phát triển hệ thống câu lạc bộ về văn hóa, thể dục, thể thao phù hợp đối với người cao tuổi; nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ giúp đỡ nhau chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Động viên, khuyến khích người cao tuổi phát huy trí tuệ, kinh nghiệm tích cực xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng xã hội gắn kết, văn minh; nêu gương sáng, chí bền cho con, cháu noi theo.
Vận động người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội tại địa phương; phát triển phong trào già làng, trưởng bản, người cao tuổi có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa để xây dựng làng văn hóa, phát huy bản sắc dân tộc, xóa bỏ hủ tục lạc hậu.