Chính sách dân số đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả tích cực
Đời sống - Ngày đăng : 06:25, 03/01/2022
Giảm tỷ lệ sinh
Một trong những điểm nổi bật trong công tác DS-KHHGĐ hiện nay là phương thức cung cấp dịch vụ dân số, sức khỏe sinh sản được cải tiến theo hướng thân thiện, lấy khách hàng làm trung tâm. Cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn, bản được hỗ trợ khi tham gia cung cấp các biện pháp tránh thai và các hàng hóa sức khỏe sinh sản phù hợp với yêu cầu, khả năng tiêu dùng của các nhóm phụ nữ ở từng vùng.
Với mô hình tự phục vụ, cộng tác viên thường đến thăm hộ gia đình để cung cấp phương tiện tránh thai, theo dõi quá trình sử dụng và ghi chép, cập nhật thông tin, tạo niềm tin, thuận tiện cho người sử dụng.
Tính đến tháng 12/2021, dân số của tỉnh Đắk Nông khoảng 658.900 người. Số con trung bình trên một phụ nữ giảm đáng kể từ 3,2 con năm 2004 xuống còn 2,56 con. Mức giảm tỷ suất sinh giai đoạn 2004-2009 trung bình mỗi năm giảm 1‰, giai đoạn 2010-2021 mỗi năm giảm 0,5‰. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 2,28% năm 2004 xuống còn 1% năm 2021.
Người cao tuổi được quan tâm chăm lo sức khỏe định kỳ |
Liên quan đến vấn đề này, chị Hồ Thị Sâm, Trưởng Khoa dân số và phát triển (Trung tâm Y tế huyện Tuy Đức) cho biết: "Tuy Đức là huyện biên giới, vùng xa nên đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, nên công tác dân số cũng gặp những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, hàng năm chúng tôi luôn xây dựng kế hoạch, với nhiều hình thức khác nhau từ tuyên truyền, vận động cũng như lồng ghép vào các hoạt động thăm khám bệnh cho phữ trong độ tuổi sinh sản nhằm giảm tỉ lệ sinh con thứ ba thấp nhất có thể".
Các đề án đạt kết quả
Trong thời gian qua, Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã được triển khai tại 8/8 huyện, thành phố. Với các kỹ thuật lấy máu gót chân để sàng lọc sơ sinh, kỹ thuật đo độ mờ da gáy và xét nghiệm máu mẹ… đã phát hiện một số trường hợp bất thường và có hướng xử lý kịp thời.
Toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì mô hình tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân tại 32 xã, phường, thị trấn; hiệu quả hoạt động của 128 câu lạc bộ sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên ngày càng được nâng cao.
Tỷ số giới tính khi sinh năm 2021 của Đắk Nông là 108,1 bé trai/100 bé gái |
Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được triển khai tại 8/8 huyện, thành phố. Toàn tỉnh hiện có trên 32.300 người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, trong đó số người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe đạt 81,6%. Năm 2021, tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 78%.
Tuy nhiên, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động từ 15-64 tuổi chiếm 64,6%, gấp 1,82 lần dân số trong độ tuổi phụ thuộc. Điều này cho thấy Đắk Nông chưa đạt cơ cấu dân số vàng. Mặt khác, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên tương ứng là 31,6% và 3,8%. Điều đó cho thấy, tỉnh Đắk Nông vẫn đang ở giai đoạn dân số trẻ và đây là một thách thức không nhỏ đối với sự nghiệp y tế, giáo dục của tỉnh trong thời gian tới.
Tỷ số giới tính khi sinh năm 2021 của Đắk Nông là 108,1 bé trai/100 bé gái. Trong đó, khu vực thành thị 125 bé trai/100 bé gái; khu vực nông thôn 105,8 bé trai/100 bé gái. Từ những con số trên cho thấy, mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra chủ yếu ở khu vực thành thị, do có sự can thiệp của con người trước lúc mang thai hoặc trong lúc mang thai làm thay đổi tỷ số này.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Lâm, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, một trong những mục tiêu tỉnh Đắk Nông đặt ra đến năm 2030 là quy mô dân số đạt trên 720.000 người; phấn đấu số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,3 con vào năm 2025 và đạt 2,1 con vào năm 2030; giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị; giảm 50% số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn; tuổi thọ bình quân đạt 73 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 64,6 năm.
Ngoài ra, Đắk Nông đặt mục tiêu cơ bản ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số; khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh; phấn đấu đưa cơ cấu tuổi ở mức tương đối hợp lý.
Để đạt được mục tiêu trên, giải pháp đặt ra là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về DS-KHHGĐ và đổi mới công tác truyền thông, vận động về dân số. Bên cạnh đó, người dân cần phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấm lựa chọn, chẩn đoán giới tính thai nhi trước khi sinh.
Cơ quan chức năng tăng cường quản lý đối với việc cung cấp các dịch vụ phá thai, loại trừ phá thai không an toàn. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện chính sách dân số, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, ấm no, hạnh phúc, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.