Gói an sinh không để ai bị bỏ lại phía sau!
Đời sống - Ngày đăng : 09:15, 20/01/2022
Một miếng khi đói !
Cầm số tiền 1,5 triệu đồng trên tay, niềm vui hiện rõ trên nét mặt của ông Nguyễn Văn Bình ở tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa). Đối với ông, số tiền hỗ trợ này thực sự có ý nghĩa đối với gia đình để có thể trang trải cuộc sống trước mắt.
Trước khi dịch bệnh xảy ra, mỗi ngày, ông Bình kiếm được khoảng 200.000 đồng từ công việc làm thuê. Nhưng giai đoạn khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, cả gia đình ông thất nghiệp, không có thu nhập, cuộc sống rơi vào cảnh khó khăn.
Ông Bình cho biết: “Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến rất nhiều người, nhiều ngành nghề. Bản thân những người được nhận hỗ trợ chính là người cảm nhận sâu sắc nhất sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thật sự trân trọng, cảm ơn có một nghị quyết kịp thời và đầy tính nhân văn”.
Chung cảm nhận, anh Trần Ngọc Thắng ở xã Đức Minh (Đắk Mil) cũng xúc động khi được nhận số tiền 1,5 triệu đồng từ gói an sinh. Trong thời gian dịch bệnh bùng phát tại Đắk Mil, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng, bản thân anh Thắng là thợ cơ khí phải nghỉ việc để bảo đảm các quy định phòng, chống dịch.
Anh Trần Ngọc Thắng nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng khi thuộc đối tượng lao động tự do bị ảnh hưởng do Covid-19 |
Tiếp nhận số tiền hỗ trợ, anh Thắng chia sẻ: “Bản thân là lao động tự do nên tôi rất bất ngờ khi mình thuộc đối tượng được nhận hỗ trợ. Sự quan tâm của các cấp chính quyền đã thực sự động viên người lao động lúc khó khăn cũng như niềm tin về chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau””.
Bảo đảm chính xác, minh bạch
Phường Nghĩa Trung là một trong những địa phương của TP. Gia Nghĩa sớm triển khai chi hỗ trợ cho đối tượng lao động tự do. Để kịp thời thực hiện công tác chi hỗ trợ, UBND phường đã rà soát nhóm đối tượng theo quy định, bảo đảm chính xác, minh bạch.
Ông Võ Hoài Phú, Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Trung cho biết, sau khi có hướng dẫn cụ thể của các cấp, bên cạnh công tác phòng, chống dịch thì việc triển khai các biện pháp hỗ trợ người gặp khó khăn do Covid-19 được địa phương tiến hành song song.
Tương tự, huyện Đắk Mil đã khẩn trương tiến hành chi tiền hỗ trợ cho các lao động tự do.
Theo thống kê mới nhất của Sở LĐTB-XH, Đắk Mil dự kiến có hơn 6.500 đối tượng được nhận hỗ trợ. Huyện đã trình và được UBND tỉnh phê duyệt gần 4.000 đối tượng với tổng kinh phí trên 5,7 tỷ đồng.
Chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương
Ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 để triển khai một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
6 tháng từ khi triển khai Nghị quyết 68, với sự vào cuộc của các chính quyền các cấp, chính sách đã tiếp cận hơn 38.000 đối tượng. Khắc phục những hạn chế, bất cập ban đầu, Nghị quyết 68 thực sự đã trở thành “phao cứu sinh” cho lao động và người sử dụng lao động của tỉnh Đắk Nông.
Được biết, Sở LĐTB-XH liên tục chỉ đạo Phòng LĐTB-XH các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức chi trả, giải ngân, kịp thời đưa chính sách hỗ trợ đến tay người dân. Trong tình hình khó khăn chung, số tiền hỗ trợ tuy không nhiều, nhưng là nỗ lực của Đảng, Nhà nước nhằm chia sẻ, động viên người dân, bảo đảm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch Covid-19.