Tự hào là những người con Đất Tổ
Đời sống - Ngày đăng : 08:50, 09/04/2022
Nỗ lực phát triển kinh tế
Năm 1990, gia đình ông Nguyễn Hữu Đức hiện ở thôn 9, xã Quảng Tín (Đắk R'lấp) rời Phú Thọ vào Đắk Nông lập nghiệp. Cuộc sống trên vùng đất mới vô cùng khó khăn nhưng với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó nên ông đã cố gắng vượt qua. Với số vốn ít ỏi ban đầu, gia đình ông mua được mấy sào đất, rồi cải tạo, canh tác, bắt đầu trồng cà phê, điều.
Sau bao nhiêu năm làm lụng vất vả, hiện tại gia đình ông đã có cơ ngơi với 5 ha cà phê, 10 ha cao su, trung bình mỗi năm thu về hơn 2 tỷ đồng. Ngoài việc làm giàu cho bản thân, ông Đức luôn chia sẻ kinh nghiệm, tạo điều kiện giúp đỡ đồng hương cùng làm ăn bằng cách cho vay không lấy lãi và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Đức cho biết: “Dù ở đâu, làm gì thì tôi luôn nhớ về quê hương nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Vì vậy, ngoài góp phần nhỏ cho quê nhà, tôi luôn cố gắng mở mang công việc làm ăn của gia đình, hỗ trợ, giúp đỡ những người còn khó khăn hơn mình để cùng nhau phát triển trên vùng đất mới”.
![]() |
Bà con người Phú Thọ tại xã Quảng Tín luôn hỏi thăm nhau lúc ốm đau và động viên phát triển kinh tế |
Tương tự, gia đình ông Vũ Ngọc Đảm cũng vào Đắk Nông lập nghiệp từ năm 1990. Cuộc sống trên vùng đất mới có nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng được sự giúp đỡ của bạn bè, chính quyền các cấp nên gia đình ông đã dần ổn định, phát triển. Hiểu được sự vất vả của cha mẹ, các con ông đều cố gắng học hành, đỗ đạt và có công việc ổn định. Dù xa quê nhưng ông vẫn thường kể về quê cha Đất Tổ để nhắc nhở các con không quên nguồn cội.
Ông Đảm cho biết: “Chúng tôi luôn nhớ mình là con cháu của Đất Tổ, cố gắng sống tốt và không ngừng rèn luyện để giữ vững truyền thống quý báu của cha ông, của dân tộc. Đắk Nông như quê hương thứ 2 và quê nhà Phú Thọ là nơi sinh ra, nên gia đình luôn ghi nhớ cội nguồn”.
Qua tìm hiểu được biết, ở xã Quảng Tín hiện có gần 60 hộ người dân quê Phú Thọ vào sinh sống, lập nghiệp và hiện cư trú tại thôn 9 và thôn Sadaco của xã. Ngày mới vào Đắk Nông chỉ có 11 hộ, thông qua họ, những hộ dân khác ở Phú Thọ cũng lần lượt theo vào và sinh sống tại xã.
Khi vào đây, hầu như gia đình nào cũng khó khăn, nhưng với tinh thần vượt khó, không ngại khổ, đến nay các hộ dân đều có kinh tế khá giả và không có hộ nghèo. Hiện bà con đã thành lập được “Quỹ tương trợ” với số vốn hơn 400 triệu đồng để giúp đỡ các gia đình khó khăn vay vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế.
Luôn đoàn kết, hướng về cội nguồn
Năm 2005, Hội đồng hương Phú Thọ tại xã Quảng Tín được thành lập và xây dựng quỹ riêng để thuận tiện hơn trong các hoạt động của cộng đồng. Trong chương trình hoạt động, Hội luôn chú trọng khuyến khích, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Vào các buổi sinh hoạt, gặp mặt định kỳ, Hội luôn tổ chức kể chuyện về các Vua Hùng có công dựng nước, những chiến công hào hùng của dân tộc, hát xoan... góp phần phát huy bản chất tốt đẹp của những người con được sinh ra trên Ðất Tổ.
![]() |
Nơi thờ tự các Vua Hùng luôn được bà con thành kính nhang khói |
Năm 2019, Hội đồng hương Phú Thọ được UBND xã cho mượn một phòng học mầm non tại thôn để làm nơi lập bàn thờ Quốc Tổ. Từ đó, cứ đến ngày Giỗ Tổ, Hội đồng hương tổ chức cúng, dâng hương, hoa, bánh chưng, bánh dày tưởng nhớ các Vua Hùng. Mọi người cùng nhau thắp hương và báo cáo những kết quả đã đạt được trong năm vừa qua.
Đặc biệt, tại lễ gặp mặt, Hội còn ôn lại truyền thống, lịch sử dựng nước của các Vua Hùng, cùng tưởng nhớ cội nguồn, tri ân công đức tổ tiên, các bậc tiền nhân đã có công khai quốc. Cuộc gặp không chỉ để bà con sum vầy, trò chuyện cho bớt nỗi nhớ quê hương mà còn có nhiều hoạt động có ý nghĩa như trao quà, thăm hỏi những gia đình khó khăn, tổ chức trao thưởng cho con em có thành tích xuất sắc…
Ông Lê Hữu Nghệ, Hội trưởng Hội đồng hương Phú Thọ ở xã Quảng Tín cho biết: “Đối với những người xa quê như chúng tôi thì đây là dịp để gặp gỡ, hàn huyên tâm sự, hỏi han nhau những vui buồn trong cuộc sống cũng như những kỷ niệm của tuổi thơ ở quê nhà. 2 năm trở lại đây, do dịch Covid diễn biến phức tạp nên hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương không được tổ chức rầm rộ như trước nhưng vào ngày 10/3 âm lịch, bà con vẫn soạn sửa mâm cúng để tưởng nhớ đến các Vua Hùng. Chúng tôi chỉ mong dịch Covid-19 mau qua để bà con xa quê có thể về tụ hội đông đủ vào dịp Giỗ Quốc Tổ của dân tộc Việt Nam".