Khơi nguồn dân ca M’nông
Đời sống - Ngày đăng : 05:53, 10/05/2022
Đến với lớp tập huấn, các học viên được các nghệ nhân am hiểu văn hóa truyền thống như Điểu Nơi, Thị Brao, Điểu Mbyưc, Thị Mai, Y Lanh… chỉ dạy cho các giá trị của dân ca, các bài hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca M’nông. Dù lớn tuổi nhưng các nghệ nhân không ngại đường sá xa xôi, vẫn miệt mài, nhiệt tình trao truyền cho thế hệ trẻ.
Những bài dân ca M’nông nổi tiếng như Chào nhau tay bắt mặt mừng, Hát múa Duôi bri lach, Tâm pớt, Anh em ta, Pic tơ trơ, Tếch ta wed, Ngày hội đoàn kết… được các nghệ nhân truyền dạy theo từng giai điệu một cách mượt mà. Những làn điệu dân ca kết hợp múa xoang, diễn tấu cồng chiêng cứ thế ngân mãi.
Ngoài việc truyền dạy những bài dân ca, lúc rảnh rỗi, các nghệ nhân lớn tuổi còn tranh thủ trò chuyện, khơi gợi ý thức, lòng tự hào cho các em học sinh, học viên tham gia lớp học về những cái hay cái đẹp của văn hóa dân tộc để cùng nhau bảo tồn.
Dân ca M'nông vẫn có sức sống mãnh liệt trong đời sống tinh thần của người M'nông |
Nghệ nhân Điểu Nơi ở bon Jiêng Ngaih, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) cho biết: “Đối với đồng bào M’nông, dân ca là chỗ dựa tinh thần mỗi khi gặp khó khăn hay vui buồn. Nó như một lời ước vọng, khao khát về một ngày mai tươi sáng hơn. Bởi vậy, có rất nhiều bài dân ca tôi còn nhớ nên góp sức truyền dạy lại cho thế hệ trẻ để cùng nhau gìn giữ, phát huy. Thấy các cháu, các em học tập với tinh thần hết sức vui vẻ, cởi mở, yêu thích, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng”.
Nghệ nhân Y Lanh ở bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) cũng cho hay: “Tôi rất vinh dự khi được mời để truyền dạy dân ca cho thế hệ trẻ. Chính vì quá đam mê, yêu văn hóa truyền thống nên khi thấy các em học hăng say, tiếp thu say mê nên những người dạy như chúng tôi rất phấn khởi. Chỉ mong dân ca M’nông tiếp tục được khơi nguồn và bảo tồn song hành cùng cuộc sống của đồng bào”.
Điều đáng ghi nhận, lớp học đã thu hút rất nhiều học viên tham gia với rất nhiều lứa tuổi, lớn nhất là 70 tuổi và nhỏ nhất là 9 tuổi. Có những chị, dù bận bịu con cái và công việc gia đình nhưng cũng cố gắng sắp xếp thời gian để được đi học. Thậm chí, có chị con còn nhỏ, chỉ mới 5 tháng tuổi nhưng cũng địu con để được theo học dân ca như chị Thị Loan ở bon Bu Nung, xã Quảng Trực (Tuy Đức); chị H’Drim ở bon Rsong, xã Đắk R’măng (Đắk Glong). Ngoài học trên lớp, khi về phòng nghỉ ngơi, các chị, các em học sinh vẫn hát một cách say sưa.
Chị Thị Loan vui vẻ: “Qua lời các bài dân ca M’nông, tôi học hỏi được rất nhiều điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Bản thân tôi cũng như rất nhiều bạn trẻ trong bon rất muốn học lại và thuộc những bài dân ca M’nông. Vì vậy, khi nghe tỉnh mở lớp học dân ca, tôi đã đăng ký tham gia và hiện cũng thuộc kha khá bài dân ca và tôi rất tự hào về điều đó”.
Em Thị Teng ở bon Bu Jang Lu, xã Đắk N’Drung (Đắk Song) cho biết: “Em rất thích hát, nhất là những bài hát dân ca của dân tộc mình nhưng không biết chỗ nào dạy. Khi địa phương thông báo có lớp tập huấn hát dân ca, em mừng lắm và đã đăng ký tham gia lớp học”.
Những làn điệu dân ca kết hợp múa xoang, diễn tấu cồng chiêng được xướng lên một cách mượt mà, đằm thắm. |
Dân ca từ thuở xa xưa đã ăn sâu vào tiềm thức và là món ăn tinh thần vô giá của người M’nông. Ngày nay, cuộc sống ngày càng thay đổi nhưng dân ca M’nông vẫn có sức sống mạnh mẽ và phổ biến trong các cuộc vui, lễ hội, liên hoan, giao lưu giữa các nhóm cộng đồng.
Tháng 11/2020, dân ca M’nông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian. Do đó, việc tổ chức lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cộng đồng, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ xây dựng chương trình chuẩn bị tham gia Liên hoan dân ca các dân tộc tỉnh Đắk Nông lần thứ I sắp đến.