"Khoảng trống" về bảo hiểm tai nạn lao động
Đời sống - Ngày đăng : 10:08, 16/05/2022
Đỡ đần gánh nặng
Ông Nguyễn C. C. (53 tuổi) ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) là một trong số ít những người lao động của tỉnh đang được hưởng chế độ từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trước đó, vào tháng 5/2021, ông C. không may bị té ngã trong lúc đi thăm vườn cà phê, dẫn tới tỷ lệ thương tật là hơn 50%.
Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn trên, ông C. cho biết, ông là nhân viên của một công ty kinh doanh các mặt hàng bảo vệ thực vật, với công việc hàng ngày là tư vấn cho các hộ nông dân nên thường xuyên phải đi thăm vườn, rẫy. Đúng thời điểm mùa mưa năm 2021, trong lúc đi làm, do đường dốc, trơn trượt, ông C. bị té ngã, phải nằm viện điều trị gần 7 tháng.
Nhập viện, ông C. phải trải qua nhiều đợt phẫu thuật và điều trị liên tục trong vòng 7 tháng (từ tháng 5 đến tháng 12/2021) tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM. Nhờ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) được 24 năm nên ông được hỗ trợ một phần viện phí trong quá trình điều trị, chỉ khi nào sử dụng thuốc ngoài danh mục mới phải dùng đến tiền túi của mình.
“Với thời gian điều trị dài ngày, đi lại nhiều lần thì bảo hiểm đỡ đần cho bản thân tôi và gia đình rất nhiều”, ông C. nói.
Nhiều người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn sau khi gặp tai nạn nhưng trước đó không tham gia bảo hiểm |
Trở về nhà sau 7 tháng điều trị, ông C. đã đi lại được, thế nhưng những di chứng sau vụ tai nạn khiến ông không thể đứng lâu được. Sau khi giám định thương tật, ông C. bị suy giảm hơn 50% khả năng lao động nên còn được nhận hỗ trợ hơn 1,3 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ về khoản hỗ trợ này, ông C. nói: “Không ai muốn mình bị tai nạn cả, vì những vết thương trên cơ thể không chỉ ảnh hưởng đến bản thân tôi mà còn tới gia đình, công việc hàng ngày. Thế nhưng, sau vụ tai nạn, tôi cũng yên tâm một phần vì được nhận chế độ bảo hiểm. Đều đặn hàng tháng, tiền chế độ được chuyển về tài khoản cá nhân, giúp tôi trang trải chi phí thăm khám, chữa trị bệnh từ nay về sau”.
Nâng cao nhận thức về bảo hiểm
Theo Phòng Chế độ BHXH (BHXH tỉnh Ðắk Nông), trong năm 2021, tỉnh Ðắk Nông có 5 trường hợp được giải quyết chế độ bảo hiểm, trong đó ông C. là trường hợp duy nhất được nhận chế độ hàng tháng. 4 trường hợp còn lại được giải quyết chế độ một lần (do tỷ lệ thương tật dưới 30%). Tất cả đều là người lao động đã tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Từ đầu năm 2022 tới nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát sinh trường hợp nào đề nghị giải quyết chế độ bảo hiểm. Việc ít hồ sơ xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là ít xảy ra tai nạn lao động hoặc các tai nạn lao động chỉ dẫn đến tỷ lệ thương tật dưới 5%. Thứ 2, Đắk Nông không có nhiều doanh nghiệp lớn mà chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ít ký kết hợp đồng lao động, nên người lao động và người sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm tới vấn đề bảo hiểm. Thứ ba, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, từ đó ý thức của người lao động về phòng tránh tai nạn cũng được nâng cao.
Công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh để người lao động hiểu được ý nghĩa của chính sách bảo hiểm |
Từ thực tế trên, đòi hỏi cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BHXH, đặc biệt là Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Bởi đã có rất nhiều trường hợp rơi vào hoàn cảnh khó khăn sau khi gặp tai nạn nhưng trước đó lại không tham gia bảo hiểm.
Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH cho biết, hiện tại tỉnh đang thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, hoạt động tại địa phương. Dự báo, trong thời gian tới sẽ phát sinh nhiều quan hệ lao động nên chế độ bảo hiểm càng phải quan tâm hơn nữa nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động.
Hiện nay, người lao động đã có sự quan tâm nhất định tới chế độ bảo hiểm. Thế nhưng, thực tế vẫn còn những “khoảng trống” về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với lao động tự do, trong khi nhóm đối tượng này lại luôn đối diện với nguy cơ gặp tai nạn lao động.
Để bảo đảm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, trước hết tự mỗi người lao động phải có ý thức giữ gìn trong quá trình làm việc, sau đó là quan tâm tới quyền lợi bảo hiểm khi tham gia các quan hệ lao động. Tuy nhiên, về lâu dài, thì cần có một chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với nhóm đối tượng lao động tự do.
Để Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trở thành "điểm tựa" cho người lao động, ông Nam thông tin: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan như BHXH tỉnh, Trung tâm dịch vụ việc làm, Liên đoàn Lao động tỉnh… tổ chức tuyên truyền về chế độ, chính sách BHXH và an toàn lao động. Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường kiểm tra, giám sát trong các ngành, nghề như xây dựng, cơ khí, chế biến nông sản-nơi tập trung đông lao động phổ thông, làm việc thời vụ, không có giao kết hợp đồng lao động”.