Sân trường vang tiếng chiêng ngân
Đời sống - Ngày đăng : 08:53, 27/05/2022
Trên sân trường, dưới tán cây, tiết học đánh chiêng đầu tiên được tổ chức thật đặc biệt. Trong không gian mở, được trang trí đậm chất văn hóa của dân tộc M’nông, các em học sinh hào hứng tìm hiểu về cội nguồn văn hóa cồng chiêng, về tầm quan trọng của những bộ chiêng đối với đời sống tinh thần của thế hệ cha ông và về cả hành trình để trở thành kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể do UNESCO công nhận. Các em học sinh khi tham gia tiết học đã trải qua các cung bậc cảm xúc, từ rụt rè, tò mò đến háo hức.
Em Thị Sô Man, lớp 6A2 vui vẻ: “Em cảm thấy rất vui mừng vì lần đầu được trải nghiệm tiết học đánh chiêng. Với những gì được học, chúng em sẽ cố gắng tiếp thu, tập đánh chiêng cho thuần thục và cùng nhau gìn giữ văn hóa của dân tộc mình”.
Trong tiết học, các em được nghe âm vang tiếng chiêng do thầy giáo đánh lên, được chạm vào từng chiếc chiêng để cảm nhận chất liệu và tự đánh lên thanh âm mang hơi thở của dân tộc.
Tiết học đánh chiêng do Trường THCS Lý Thường Kiệt tổ chức, thu hút sự tham gia đầy thích thú của các em học sinh |
Người trực tiếp dạy thực hành là thầy giáo Điểu Nhin. Tuy không phải là nghệ nhân, nhưng thầy giáo Điểu Nhin có thuận lợi khi trong nhà có 2 nghệ nhân cồng chiêng và các anh chị em đều được dạy và biết đánh cồng chiêng. Trong trí nhớ của thầy giáo Điểu Nhin, ngày vui, sự kiện lớn của dòng họ, tiếng cồng chiêng luôn là một phần không thể thiếu. Và lớp học này chính là cách để thầy giáo Điểu Nhin nhen lên tình yêu, niềm tự hào với văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.
Thầy giáo Điểu Nhin tâm sự: “Cồng chiêng vốn là tài sản vô giá, được các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên sáng tạo và không ngừng phát huy, trao truyền lại bao đời nay. Là người dân tộc M'nông, ngoài niềm tự hào, chúng ta phải biết những nốt nhạc đó, có trách nhiệm gìn giữ và chuyển giao lại các tri thức và bí quyết về cồng chiêng lại cho thế hệ trẻ. Tôi mong muốn lớp học này sẽ được nhân rộng, không chỉ ở trong trường mà cho cả những thanh niên trong bon làng được biết”.
Tiết học đánh chiêng là một nỗ lực lớn của Ban giám hiệu Trường THCS Lý Thường Kiệt. Từ ấp ủ về việc gây dựng một đội chiêng và truyền dạy di sản trong các năm học trước, đến năm học này, nhà trường đã quyết tâm mua được 1 bộ chiêng với trị giá trên 30 triệu đồng. Với vật chất sẵn có và lợi thế ngay tại địa phương có 1 đội chiêng thuần thục, nhà trường đã lên kế hoạch duy trì đều đặn tiết học đánh chiêng, trở thành môn học tự chọn, do chính các nghệ nhân bản địa truyền dạy cho học sinh.
Học sinh được trải nghiệm tập đánh chiêng tại tiết học |
Ông Phạm Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt cho biết: “Nhà trường mong muốn sẽ thành lập 1 đội cồng chiêng riêng do chính các giáo viên tham gia và truyền dạy lại cho các em học sinh của từng khóa học. Chúng tôi muốn có sự nối tiếp, lứa học sinh này khi ra trường thì lứa sau tiếp tục được học và sẽ lan truyền về các thôn, bon nơi các em sinh sống”.
Trước những phát triển của đời sống kinh tế, xã hội và tín ngưỡng đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên. Nhiều nghệ nhân nắm giữ bí quyết đánh cồng chiêng qua đời. Thế hệ trẻ ít hoặc không quan tâm đến cồng chiêng do sức hút mạnh mẽ của cuộc sống hiện đại và văn hóa du nhập.
Vì vậy, với cách làm đầy trách nhiệm và thiết thực này, hy vọng hoạt động dạy học sinh đánh chiêng của Trường THCS Lý Thường Kiệt sẽ ngày càng được nhân rộng. Từ đó, bên cạnh học chữ, các em học sinh còn được trao truyền, tiếp tục bản sắc văn hóa dân tộc và sẽ trở thành nhân tố quan trọng để gìn giữ, lan tỏa tình yêu với di sản văn hóa phi vật thể đến lớp trẻ và cộng đồng bản địa.