Nỗ lực xóa mù chữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đời sống - Ngày đăng : 09:01, 07/09/2022
U60 đến trường tìm "cái chữ"
Chiếc điện thoại thông minh của bà Triệu Mùi Gỉn ở thôn 4, xã Đắk Ha (Đắk Glong) liên tục đổ chuông trước khi vào lớp học. Người phụ nữ 58 tuổi khẽ vuốt màn hình rồi trò chuyện với người phía bên kia đầu dây. Không biết chữ, lại kèm nhèm vì mắt kém, thế nhưng mọi thao tác trên điện thoại, lại được bà Gỉn thực hiện thành thạo và chính xác mà không gặp bất cứ một trở ngại nào.
“Trước đây, chúng tôi chưa một lần đi học, lên xã làm giấy tờ gì thì chỉ lăn tay điểm chỉ, đến giấy khai sinh cho mấy đứa con, vợ chồng tôi cũng phải nhờ người viết giúp. Ngay khi cán bộ, thầy cô đến nhà động viên đi học, chồng con ủng hộ ngay. Bữa nay được đi học, biết chữ, tự viết được nên sung sướng lắm, cứ như mình trẻ ra vài chục tuổi”, bà Triệu Mùi Gỉn ở thôn 4, xã Đắk Ha (Đắk Glong) phấn khởi chia sẻ kết quả sau 2 đợt tham gia lớp xóa mù chữ.
Bà Triệu Mùi Gỉn (bên trái) hiện tại đã biết đánh vần sau khi hoàn thành một khóa học |
Bà Gỉn cho biết, hai năm trước bà đã tham gia lớp xóa mù chữ, thế nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sau khi hoàn thành khóa học đầu tiên, bà và nhiều học viên khác cũng phải tạm dừng đến lớp để phòng, chống dịch. Đến nay, sau hơn 1 năm mới quay lại lớp học lớp xóa mù chữ do Trường tiểu học - THCS Trần Quốc Toản, xã Đắk Ha tổ chức, vốn kiến thức tích lũy từ khóa học trước cũng đã rơi rụng ít nhiều nên bà tích cực đến lớp tìm “cái chữ”.
Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, giáo viên Trường tiểu học - THCS Trần Quốc Toản chia sẻ, có những học viên, dù tuổi đời gấp đôi tuổi cô Thủy, nhưng ai cũng khát khao học chữ, ai cũng ước mơ có thể tự viết được chính xác tên mình đã thôi thúc những học viên vượt qua mọi khó khăn, rào cản để ngồi vào bàn học, nắn nót viết từng chữ cái.
“Là giáo viên đứng lớp, chứng kiến học viên của mình tiến bộ từng ngày, đã nhận diện được bảng chữ cái, biết đánh vần và viết chữ, tôi rất hạnh phúc. Thành quả này có được nhờ sự chịu khó, miệt mài, nỗ lực học tập của những học viên đặc biệt và có cả những đóng góp của các cô giáo đứng lớp”, cô Thủy nói.
Theo Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục xóa mù chữ xã Đắk Ha, sẽ có 2 lớp học xóa mù chữ dành cho các học viên từ 16-65 tuổi trên địa bàn xã. Tất cả học viên là người dân tộc thiểu số, xưa nay chỉ quen với công việc nương rẫy và rất ít người có đủ khả năng viết được tên của mình. Không biết chữ, khiến người dân gặp nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, hạn chế trong phát triển kinh tế gia đình và chăm lo, dạy bảo con cái.
Những học viên lớn tuổi tham gia lớp xóa mù chữ tại Đắk Ha |
Quyết tâm xóa mù chữ
Hai vợ chồng thầy giáo Nguyễn Xuân Trường, Trường tiểu học Vừ A Dính ở thôn Đắk Nang, xã Đắk Som (Đắk Glong) cũng thay phiên nhau đứng lớp xóa mù chữ hàng tuần. Đây là lần đầu tiên, lớp học xóa mù chữ được mở tại thôn nên không chỉ học viên mà chính thầy cô giáo cũng có những bỡ ngỡ ban đầu. Vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, tuổi tác, chỉ sau 1 tháng đi vào hoạt động, lớp học xóa mù chữ do thầy Trường đứng lớp đã đi vào nền nếp, ổn định. Trong đó, ấn tượng nhất là bác Và Chừ Phua, dân tộc Mông, dù đã 65 tuổi nhưng bác không vắng buổi học nào, với rất quyết tâm xóa mù chữ.
“Lớp tôi chủ nhiệm có khoảng 40 học viên, trong đó chỉ có một học viên là người Kinh, còn lại là đồng bào Mông. Tất cả học viên đến lớp xóa mù chữ đều đã lập gia đình, thậm chí lên chức ông bà nhưng ai cũng nỗ lực đến lớp mỗi ngày”, thầy Trường chia sẻ.
Nhân rộng mô hình xóa mù chữ
Bà Đinh Thị Hằng, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk Glong thông tin: Là huyện có tỷ lệ người mù chữ cao nhất tại Đắk Nông. Trong đó, số người mù chữ ở mức độ 1 (chưa hoàn thành lớp 3) là 4.550 người (chiếm tỷ lệ 10%); mù chữ mức độ 2 (chưa hoàn thành lớp 5) là trên 7.100 người.
Ngày 23/8, cùng với xã Đắk Ha, đồng loạt các xã khác của huyện Đắk Glong cũng tiến hành khai giảng các lớp học xóa mù chữ. Hơn 580 học viên sẽ được tham gia 17 lớp xóa mù chữ trên địa bàn huyện. Đứng lớp là giáo viên tại các trường tiểu học, trung học và giảng dạy bằng giáo án soạn riêng dành cho các học viên có tuổi đời 16-65 tuổi.
Những học viên U60 vượt rào cản để đến lớp xóa mù chữ |
“Trong tổng số có 10 lớp tổ chức thông qua nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và các nguồn hỗ trợ khác của Trung ương và địa phương, 7 lớp tổ chức theo hình thức xã hội hóa. Bên cạnh đó, UBND các xã và một số tổ chức đoàn thể đã kêu gọi quyên góp các nguồn tài trợ của nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ sách, vở dụng cụ học tập cho học viên”, bà Hằng cho hay.
Không chỉ riêng huyện Đắk Glong, trong những năm qua, nhiều địa phương khác tại tỉnh Đắk Nông vẫn duy trì mở các xóa mù chữ cho người dân. Ngành GD-ĐT thực hiện linh hoạt các phương pháp dạy học, tổ chức các hoạt động học phù hợp với bài học. Trong quá trình dạy, thầy cô giáo đặt những câu hỏi gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ; xây dựng các học liệu, đồ dùng trực quan phù hợp với người học; gắn nội dung dạy học với tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng: Nâng cao hiệu quả các lớp xóa mù chữ được xem là một giải pháp quan trọng góp phần kéo giảm tỷ lệ người mù chữ, tái mù chữ.
Thời gian tới, các ngành, địa phương tích cực hơn nữa trong việc quản lý địa bàn dân cư; tuyên truyền người dân hiểu được tầm quan trọng việc biết chữ để chính bản thân họ phát triển giao lưu với cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng gia đình hiếu học, cá nhân hiếu học, cộng đồng khuyến học để tham gia tích cực hơn góp phần xây dựng, giảm tải việc mù chữ trong xã hội…