Phát triển đa dạng thể dục - thể thao quần chúng
Đời sống - Ngày đăng : 09:07, 30/09/2022
Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất
Để đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT trong Nhân dân, thời gian qua, các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tập luyện, nhất là đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư sân chơi, bãi tập TDTT tại cộng đồng.
Hiện nay, ngoài Nhà tập luyện và thi đấu TDTT tỉnh, toàn tỉnh có 101 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, 33 sân quần vợt, khoảng 314 sân bóng chuyền, 310 sân cầu lông, 9 sân bóng rổ, 21 bể bơi các loại, 2 sân vận động, 2 nhà tập luyện TDTT, 37 nhà tập luyện đa năng trong các trường học.
Hằng năm, cấp tỉnh huy động khoảng 1 tỷ đồng/năm, cấp huyện, thành phố từ 300-400 triệu đồng/năm để tổ chức các giải TDTT. Từ các phong trào phát triển TDTT quần chúng đã phát hiện, bổ sung thêm các nhân tố mới để bồi dưỡng, đào tạo trở thành tuyển thủ các môn thể thao mũi nhọn, thành tích cao, tham gia các giải đấu lớn trong nước, thậm chí quốc tế.
Phong trào thể dục thể thao quần chúng ở cơ sở phát triển mạnh |
Theo ông Lê Ngọc Quang, Giám đốc Sở VHTT-DL, các phong trào TDTT tại địa phương luôn gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, với việc vận động người dân tự chọn một môn thể thao, một hình thức tập luyện phù hợp với mục tiêu nâng cao sức khỏe. Hoạt động TDTT không chỉ nâng cao sức khỏe người dân, mà còn góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục…
26,8% người dân tập luyện thường xuyên
Theo thống kê của Sở VHTT-DL, tính đến tháng 5/2022, số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên ước đạt 26,8% (tăng 0,5%) và số gia đình ước đạt 18,6% (tăng 0,4%) so với năm 2021.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hằng năm, nhiều giải, hội thao được tổ chức góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT trong cơ quan, đơn vị, địa phương các cấp. Các giải, hội thao còn là dịp cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tạo không khí vui tươi lành mạnh trong lao động và sản xuất.
Bên cạnh đó, phong trào TDTT ở các vùng dân tộc thiểu số cũng được nhiều địa phương triển khai sâu rộng, giúp người dân hiểu rõ lợi ích tác dụng của tập luyện TDTT. Bên cạnh các môn truyền thống như bắn nỏ, đẩy gậy, đánh quay, các môn tập luyện và thi đấu thể thao của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng đa dạng, phong phú, hấp dẫn, với bóng chuyền, bóng chuyền hơi, bóng đá, võ cổ truyền, kéo co…
Ngoài ra, tỉnh đã thành lập đoàn thể thao người khuyết tật tập luyện và đi tham gia giải thể thao người khuyết tật toàn quốc đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Đây là tiền đề thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT đối với người khuyết tật.