Linh hoạt trong giảm nghèo thông tin vùng dân tộc thiểu số

Đời sống - Ngày đăng : 08:51, 15/11/2022

Để đưa thông tin thiết thực tới người dân vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc, các địa phương đã, đang triển khai nhiều cách làm phù hợp. Không chỉ dừng lại ở tiếng loa phát thanh, nhiều ấn phẩm, tờ rơi được xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo thông tin.

Đổi mới phương thức

Khu vực Nâm Sơ Ni, xã Đắk Som (Đắk Glong) có hơn 90% người dân là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Nâm Sơ Ni nằm cách trung tâm xã Đắk Som gần 15 km, lại chưa có điện lưới quốc gia nên việc người dân tiếp cận thông tin về các sự kiện quan trọng của đất nước, của địa phương vẫn còn rất hạn chế.

Trong đợt bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đặc biệt là thời điểm phòng, chống dịch Covid-19, để thông tin đến được với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ xã Đắk Som thực hiện phương châm "đi từng ngõ - gõ từng nhà" tuyên truyền.

Theo lãnh đạo UBND xã Đắk Som, thời điểm đó, địa phương sử dụng loa di động để phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức tới người dân. Bất kể ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, những chiếc loa theo chân cán bộ văn hóa xã, lực lượng đoàn viên thanh niên phát liên tục tại các khu vực đồi núi - nơi có người dân sinh sống.

Xã Đắk Som phát tờ rơi, tuyên truyền về các sự kiện lớn cho người dân vùng lòng hồ thủy điện

Cũng tại xã Đắk Som, nhiều hộ gia đình sống lênh đênh trên lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3. Đây là khu vực chỉ có thuyền bè di chuyển, chính vì thế để phổ biến cho người dân kiến thức về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, UBND xã Đắk Som đã in những tờ rơi, phát tận tay những người dân đang sinh sống trên các nhà bè thuộc khu vực lòng hồ.

Ông Lê Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Đắk Som cho biết: “Hằng năm, địa phương trích từ nguồn chi thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền. Ngoài việc in ấn các tờ rơi, pano bằng tiếng đồng bào, địa phương linh hoạt, sử dụng hình ảnh trực quan để người dân dễ tiếp cận. Nhờ biện pháp này, tỷ lệ hôn nhân cận huyết, tảo hôn, bạo lực gia đình, phá rừng… ở một số vùng đồng bào dân tộc giảm đi đáng kể”.

Tương tự, tại 2 thôn Phú Hòa, Phú Vinh, xã Quảng Phú (Krông Nô) chưa có điện, chưa có sóng di động nên trong đợt bầu cử hoặc tiêm vắc xin phòng, chống dịch Covid-19, để bảo đảm quyền lợi của người dân, cán bộ xã Quảng Phú đã phát tờ rơi nhắc nhở, tuyên truyền cho người dân. Ông Y Cam, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết: Việc phát hành các tờ rơi, ấn phẩm bằng tiếng đồng bào dân tộc giúp người dân tiếp cận thông tin dễ dàng hơn. Một ưu điểm khác của loại hình này, đó là người dân có thể lưu giữ các tờ rơi, ấn phẩm trong thời gian dài, từ đó nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền.

Các ấn phẩm được in bằng nhiều thứ tiếng, góp phần tích cực vào việc giảm nghèo thông tin

Tăng cường các ấn phẩm tiếng dân tộc

Báo chí nói chung là kênh thông tin đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân mọi miền Tổ quốc. Hoạt động báo chí góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, đặc biệt là giảm nghèo thông tin cho người dân. Trong đó, hàng tuần Báo Đắk Nông phát hành 1 ấn phẩm báo ảnh, phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi số báo có 8 trang báo, được thể hiện bằng cả tiếng Việt, tiếng M’nông và tiếng Mông. Còn Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh hàng ngày đều dành thời lượng cho các bản tin tiếng M’nông, chuyên mục Dân tộc và Phát triển, Sắc màu các dân tộc.

Thông qua đây, nhiều chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, địa phương kịp thời đến với người dân, góp phần nâng cao nhận thức, giảm nghèo thông tin vùng đồng bào dân tộc. Người dân không chỉ biết được nhiều mô hình, cách làm kinh tế hiệu quả mà còn được khám phá đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, từ đó tăng cường hiểu biết, thắt chặt tình đoàn kết.

Đón đọc những ấn phẩm báo ảnh, ông Y Kroak Ya ở Bon U3, thị trấn Ea T’ling (Cư Jút) cho biết “Báo ảnh phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số được thể hiện bằng 3 thứ tiếng giúp nhiều người có thể đọc được. Nhờ những nội dung trên tờ báo, chúng tôi hiểu hơn về Đắk Nông và về các dân tộc anh em khác. Đặc biệt, nhiều số báo còn giới thiệu các mô hình, phương cách làm ăn, sản xuất kinh doanh giỏi, từ đó bà con chúng tôi có thể học tập, tìm hiểu để làm theo”.

Thanh Hằng