Công viên địa chất Việt Nam qua 15 năm hình thành và phát triển
Đời sống - Ngày đăng : 08:53, 22/11/2022
CVĐC manh nha phát triển từ cuối thế kỷ 20 ở châu Âu. Đến năm 2004, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc thống nhất bảo trợ cho việc phát triển CVĐCTC. Tính đến nay, trên thế giới đã có 177 CVĐCTC thuộc 44 quốc gia.
Tại Việt Nam, ý tưởng phát triển CVĐC xuất hiện từ khoảng đầu năm 2000 trong một đề tài khoa học công nghệ, nhưng phải đến khoảng năm 2007 mới bắt đầu được triển khai trên thực tế trong khuôn khổ Dự án Hợp tác quốc tế Việt Nam - Vương quốc Bỉ “Nghiên cứu phát triển CVĐC ở các vùng miền núi đá vôi Đông Bắc Việt Nam” (2007-2012) và Đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước “Nghiên cứu đánh giá tiềm năng di sản địa chất và triển vọng xây dựng CVĐC ở một số khu vực miền Bắc Việt Nam”.
Núi lửa Nâm Kar. Ảnh: Ban quản lý CVĐC |
Qua 15 năm hình thành và phát triển, Mạng lưới CVĐC Việt Nam đã có những điểm nhấn nổi bật trong Mạng lưới CVĐCTC. Việt Nam hiện có 3 CVĐC được UNESCO công nhận gồm CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), CVĐCTC Non nước Cao Bằng và CVĐCTC Đắk Nông. PGS.TS Trần Tân Văn của Việt Nam được tín nhiệm bầu vào Hội đồng CVĐCTC UNESCO gồm 12 thành viên; đồng thời, là 1 trong 5 thành viên Ban Điều phối Mạng lưới CVĐC khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang chứng kiến sự phát triển không ngừng của Mạng lưới quốc gia Việt Nam với sự tham gia tích cực của các CVĐC tiềm năng như Lạng Sơn, Phú Yên...
Thực tế cho thấy, những năm qua, tại các địa phương có CVĐC được UNESCO công nhận hoạt động du lịch đã từng bước khởi sắc hơn trước. Điển hình như tỉnh Hà Giang, nơi có CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn, từ đầu năm đến nay, địa phương này đã đón 1.106.000 lượt du khách, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó có 7.567 lượt khách quốc tế, 1.098.433 lượt khách nội địa, với doanh thu du lịch đạt 2.211,3 tỷ đồng. Tỉnh Cao Bằng, nơi có CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng, 9 tháng đầu năm 2022, có 753.499 lượt khách đến thăm, tăng 111%, với doanh thu du lịch đạt 377,4 tỷ đồng, tăng 687,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhà Triển lãm âm thanh của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm |
Đối với tỉnh Đắk Nông, 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh đón gần 400.000 lượt khách; trong đó 1500 lượt khách quốc tế, tăng 230% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện nay, du lịch tại Đắk Nông đang có nhiều khởi sắc, chính quyền địa phương chú trọng kết nối phát triển du lịch; đồng thời tổ chức các sự kiện du lịch thể thao, quảng bá giới thiệu nét đặc sắc về văn hóa, con người và sự hùng vĩ, tươi đẹp của Đắk Nông.
Theo PGS.TS Trần Tân Văn, thành viên Hội đồng CVĐCTC UNESCO, việc xây dựng và phát triển bền vững CVĐC theo định hướng của UNESCO, không chỉ góp phần phát triển du lịch, bảo tồn các giá trị di sản mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương trong vùng CVĐC. Do vậy, việc rà soát, điều chỉnh, thống nhất những cơ chế, chính sách, giải pháp, tạo sự đột phá trong bảo tồn, khai thác giá trị CVĐC, CVĐCTC nhằm thúc đẩy sự phát triển của địa phương, đất nước là rất cần thiết. Hội nghị ISV20, trong đó Hội thảo Khoa học “15 năm phát triển CVĐC ở Việt Nam” là cơ hội để các cơ quan, ban ngành, địa phương cùng nhìn nhận lại chặng đường 15 năm qua với những thành tựu, bài học kinh nghiệm, chia sẻ những khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng và phát triển CVĐC. Hội thảo cũng là dịp để các cơ quan Trung ương và địa phương trao đổi, tìm ra các giải pháp quảng bá, thu hút khách du lịch đến với các CVĐC. Qua đó, tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và trong quản lý, xây dựng, phát triển CVĐC ở Việt Nam một cách bền vững theo tiêu chí của UNESCO.