ISV20 - Một góc nhìn từ phóng viên
Đời sống - Ngày đăng : 09:39, 28/11/2022
Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi cũng đã gặp và trao đổi với một số đại biểu để xem đánh giá về công tác tổ chức, tiếp đón của địa phương cho sự kiện quốc tế đặc biệt này. Bên cạnh những ý kiến về sự thân thiện, hòa đồng của người dân Đắk Nông, sự chuẩn bị chu đáo của Ban Tổ chức thì cũng không ít đại biểu đã thẳng thắn góp ý về cách thức phục vụ, tiếp đón các đoàn của chủ nhà, nhất là cơ sở vật chất phục vụ lưu trú.
Ông N.C, một nhà nghiên cứu khoa học góp ý: "Tôi đã đi nhiều nơi và ở lại rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn trong nước cũng như quốc tế, nhưng tôi chưa thấy nơi nào dịch vụ lưu trú kém như vậy (Nhà khách Tỉnh ủy - phóng viên). Dù đã lên kế hoạch đón tiếp từ trước, nhưng phòng ốc bị rêu mốc, sóng wifi không có, nước nóng dùng cho sinh hoạt cũng không. Hỏi ra chúng tôi được biết, vì Nhà khách dùng máy năng lượng mặt trời nên những ngày diễn ra hội nghị trời mưa, ít nắng nên nhiệt không đủ”.
Ông N.C kiến nghị, Đắk Nông chọn du lịch là một trong 3 trụ cột để phát triển kinh tế nên cần chú trọng hơn đến công tác đầu tư cơ sở vật chất, nhất là dịch vụ lưu trú.
Các phóng viên báo chí Trung ương và địa phương phỏng vấn đại biểu tham dự Hội nghị ISV20 trong giờ nghỉ giải lao |
Không chỉ về cơ sở vật chất lưu trú, một số quan khách cho rằng thái độ của đội ngũ phục vụ cũng cần thay đổi. Trong những ngày diễn ra hội nghị, chị N.T.T.D, phóng viên báo Trung ương, nhận lời mời tác nghiệp tại hội nghị, ngoài thông cáo báo chí chính thức liên quan, phóng viên không được cung cấp các tài liệu khác, nhất là hình ảnh, các tham luận liên quan đến các phiên hội thảo chuyên đề. Mỗi khi cần tài liệu, nhiều phóng viên phải “xin” dẫn đến thông tin không kịp thời, mức độ phủ sóng trên các ấn phẩm báo chí hạn chế.
Công tác đi lại dành cho khách mời, đại biểu chưa được hướng dẫn cụ thể dẫn đến lúng túng trong di chuyển đến những địa điểm tổ chức. Anh L.N.H, phóng viên của Báo Văn hóa di chuyển từ Kon Tum sang Đắk Nông để đưa tin về Hội nghị ISV20. Tuy nhiên, khi đặt chân đến TP. Gia Nghĩa, anh H không biết đầu mối để liên hệ, trợ giúp khi đi đến các địa điểm tổ chức sự kiện liên quan.
Anh H cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Gia Nghĩa, nên không biết được đường đi, lối lại. Ba ngày tác nghiệp, ngoài sự kiện chính tổ chức tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Đắk Nông, để đến được những địa điểm khác như Khách sạn Logde, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh…, tôi đều phải đi hỏi rất nhiều người mới đến được. Tôi mong rằng, những sự kiện lần sau, Đắk Nông sẽ chuẩn bị chu đáo hơn về lịch trình, hướng dẫn cụ thể để những người ở xa như tôi không còn bỡ ngỡ”.
Việc tổ chức một sự kiện, chưa kể với một hội nghị mang tầm quốc tế mà lần đầu Đắk Nông đăng cai tổ chức, quy tụ đông đảo các đại biểu, khách quốc tế và các tỉnh, thành khác trong cả nước đến tham dự, nên còn những hạn chế là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, sau mỗi sự kiện, sự cảm nhận, phản ánh, góp ý của những người trực tiếp theo dõi sẽ là những kinh nghiệm quý giá để những lần sau được thực hiện tốt hơn, đọng lại nhiều dấu ấn đẹp hơn trong lòng những người có chung niềm đam mê khám phá hang động núi lửa, du lịch trải nghiệm của Đắk Nông.