Những dấu hiệu cảnh báo cần đi khám hậu Covid-19
Đời sống - Ngày đăng : 14:32, 18/03/2022
Bệnh nhân đi khám hậu Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai |
Câu hỏi: Sau khi âm tính được 2 tuần, tôi thấy cơ thể mệt mỏi, vẫn ho nhiều và hụt hơi. Xin bác sĩ cho hỏi tình trạng của tôi có nên đi khám hậu Covid-19 không?
Trả lời:
BSCKII Trần Minh Thảo, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai:
Ở bệnh nhân sau nhiễm Covid-19 có rất nhiều triệu chứng làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất người bệnh. Các triệu chứng hay gặp nhất bao gồm:
Rối loạn tâm thần kinh: Bồn chồn, lo lắng, dễ xúc động, khó ngủ hoặc ngủ ít; Nặng đầu, giảm trí nhớ; Mệt mỏi, chân tay lạnh, đổ mồ hôi trộm.
Tổn thương tim và mạch máu: Nhịp nhanh, rối loạn nhịp tim. Nguy hiểm hơn là viêm cơ tim, tràn dịch màng ngoài tim, hình thành cục máu đông gây tắc mạch vành, nhồi máu cơm tim và suy tim.
Di chứng mạch máu phổ biến nhất là đông máu gây huyết khối làm thuyên tắc phổi, đột quỵ não.
Hô hấp: Khó thở, hụt hơi; Viêm phế quản phổi.
Nhiều trường hợp bệnh nhân có triệu chứng hậu Covid-19 nhưng đến khám muộn làm tình trạng thêm nặng nề, tăng tỷ lệ nhập viện, đặc biệt ở nhóm có bệnh lý nền như bệnh tim mạch, hô hấp, bệnh thần kinh, cơ xương khớp, nội tiết…
Vì thế, sau khi khỏi bệnh, nếu có một trong số các triệu chứng sau, người bệnh nên đi khám hậu Covid-19. Đặc biệt, với những người bệnh có bệnh lý nền mà mắc một trong các dấu hiệu trên thì phải đến bệnh viện để khám ngay.
Các triệu chứng gồm: Sốt nhẹ; Khó thở; Tức ngực; Ho kéo dài; Mệt mỏi; Đau cơ; Rối loạn nhịp tim; Rối loạn tiêu hóa; Huyết áp không ổn định; Rụng tóc…
Để giảm tỷ lệ nhập viện do hậu Covid-19 gây ra, người dân nên chủ động khám sức khỏe trong vòng 1-3 tháng đầu sau khi khỏi bệnh.
Nhóm đối tượng sau cần đi khám ngay gồm: Có bệnh lý nền; Trên 60 tuổi; Khi mắc bệnh Covid-19 đã từng phải điều trị tại khoa cấp cứu, hồi sức tích cực; Các đối tượng khác nhưng có các triệu chứng nặng nề hoặc bất thường phải đi khám ngay.
Tùy từng trường hợp cụ thể mà sau khi khám xong, bác sĩ sẽ cho chỉ định làm các xét nghiệm phù hợp để chẩn đoán, tránh lãng phí các thăm dò không thực sự cần thiết cho người bệnh.
Thông thường sẽ cho người bệnh làm xét nghiệm cơ bản như: máu, nước tiểu, điện tim, chụp X-quang tim phổi, siêu âm tim và một số thăm dò sâu hơn nếu cần thiết (thí dụ cắt lớp phổi...).