Những thanh niên dân tộc thiểu số biết làm giàu

An sinh - Cuộc sống - Ngày đăng : 14:05, 06/09/2012

Với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất của mình, K’Tam, Bí thư Chi đoàn tổ dân phố 2, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) thường xuyên đi tham quan, học tập nên đã xây dựng mô hình kinh tế VAC...

Với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất của mình, K’Tam, Bí thư Chi đoàn tổ dân phố 2, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) thường xuyên đi tham quan, học tập nên đã xây dựng mô hình kinh tế VAC. Hiện nay, ngoài 1,5 ha cà phê, 2 ha sắn cao sản để “lấy ngắn nuôi dài”, K’Tam còn tận dụng ao tưới để thả cá và xây dựng chuồng trại để chăn nuôi heo, lấy phân chuồng bón cho cà phê, giảm chi phí sản xuất.

Nhờ biết tính toán làm ăn, gia đình anh K’Tam đã có nguồn thu nhập ổn định trên 150 triệu đồng mỗi năm

Mô hình VAC của anh bước đầu mang hiệu quả, tạo nguồn thu nhập ổn định trên 150 triệu đồng mỗi năm. K’Tam chia sẻ: “Khi bắt tay vào phát triển kinh tế, ngoài việc áp dụng khoa học kỹ thuật, tôi luôn suy nghĩ, tính toán làm sao để chỉ đầu tư ít, nhưng lại có hiệu quả cao nhất. Khi có người dân trong bon đến tham quan học hỏi, tôi dựa vào điều kiện của bà con để góp ý một cách chân thành, tránh rập khuôn, dẫn đến mô hình không hiệu quả”.

Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, K’Tam còn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế cho các đoàn viên, thanh niên trong chi đoàn.

Tương tự, Điểu By An ở bon Philơte, xã Đắk Ngo (Tuy Đức) đã kết hợp trồng cây ngắn ngày và cây lâu năm nên cũng mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Theo Điểu By An, khi đã nắm được kỹ thuật và có hướng làm ăn thì điều quan trọng nhất là phải làm sao để có nguồn đầu tư lâu dài cho cây trồng, nhất là cây lâu năm. Chính vì thế, anh đã kết hợp trồng các loại hoa màu như bắp, sắn, đậu...gọi là “lấy ngắn nuôi dài” để rồi tập trung đầu tư mạnh cho cây cà phê.

Hiện nay, Điểu By An đã có 2 ha cà phê kinh doanh và 1 ha trồng các loại hoa màu phụ; đồng thời còn chăn nuôi gà thả vườn, mở dịch vụ vận tải bằng xe cày để tận dụng phương tiện lúc nhàn rỗi, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh có thu nhập trên 150 triệu đồng.

Điểu By An tâm sự: “Làm kinh tế thì phải năng động, biết thích ứng với thị trường, nên tôi luôn cố gắng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, chịu khó áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để có được hiệu quả cao nhất”.

Lập nghiệp trên vùng quê biên giới còn nhiều khó khăn, nhưng Điểu Pem, ở bon Bu P’răng 1, xã Quảng Trực (Tuy Đức) cũng luôn biết cần cù chịu khó và tận dụng những điều kiện sẵn có tại địa phương để phát triển kinh tế gia đình. Được tiếp cận với kỹ thuật từ các lớp tập huấn do xã tổ chức, Điểu Pem đã mạnh dạn chuyển dần 5 ha hoa màu sang trồng tiêu, cà phê. Với 2 loại cây chủ lực nói trên, kết hợp với chăn nuôi, gia đình anh đã có thu nhập mỗi năm hơn 200 triệu đồng, sau khi đã trừ các chi phí.

Có thể nói, bằng việc năng động, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, không ít thanh niên dân tộc thiểu số đã xây dựng được những mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và trở thành điểm tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất của nhiều người dân trong vùng.

Đức Hùng