Chủ động nắm bắt cơ hội và tự tạo cơ hội cho bản thân
An sinh - Cuộc sống - Ngày đăng : 09:56, 07/07/2017
Thanh niên lập thân lập nghiệp có nhiều con đường, quan trọng nhất là biết nắm cơ hội để vươn lên. (Ảnh: Cơ sở cửa sắt của anh Nguyễn Văn Hoàng ở xã Quảng Tân (Tuy Đức) tạo việc làm cho thanh niên địa phương) |
Tốt nghiệp Đại học Văn hóa năm 2014, bạn Nguyễn Thị Huế ở phường Nghĩa Thành (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) luôn loay hoay tìm kiếm việc làm. Sau gần 3 năm không tìm được việc làm phù hợp, Huế đã chuyển sang kinh doanh quần áo, túi xách, đồng hồ...
Theo lời kể của Huế, khi còn học phổ thông, học lực của Huế cũng ở mức trung bình, nên chẳng biết thi vào ngành, nghề nào. Qua lời rủ của một người bạn, Huế đăng ký thi vào Trường Đại học Văn hóa và cũng không ngờ thi đậu. Học xong 4 năm đại học, Huế cũng không dự tính được bản thân sẽ làm gì. Từ khi xin việc khắp nơi không được, Huế mới chuyển sang tập tành kinh doanh. Đến nay, việc kinh doanh tương đối ổn định, thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống bản thân và giúp đỡ gia đình.
Huế cười nói: “Biết vậy ngày xưa đừng đi học đại học, buôn bán luôn biết đâu giờ đã có một khoản tiền tích góp kha khá”.
Qua tìm hiểu vấn đề lập thân, lập nghiệp của thanh niên, không riêng Huế mà có rất nhiều bạn trẻ ngay từ thời điểm xuất phát đã không có sự chuẩn bị kỹ càng. Các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh cũng được tổ chức thường xuyên. Trong đó, các chuyên gia cũng tư vấn cho học sinh ngay từ lúc đặt bút đăng ký lựa chọn ngành nghề cần suy nghĩ đến khả năng xin việc, ngành nghề nào phù hợp với học lực của bản thân, có thể hỗ trợ tự lập nghiệp...
Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ vẫn đăng ký ngành học theo cảm tính. Chính sự thụ động là một trong những nguyên nhân khiến sau thời gian dài học tập, không ít sinh viên ra trường không tìm được việc làm, lại trở về điểm xuất phát.
Không riêng gì với học sinh, sinh viên mà ngay cả không ít thanh niên nông thôn cũng tỏ ra thụ động trên con đường lập thân, lập nghiệp. Bạn Nguyễn Văn Bình ở xã Đắk Ha (Đắk Glong) chia sẻ: “Làm kinh tế bây giờ khó khăn lắm, muốn làm một mô hình thì phải có nhiều vốn, rồi kỹ thuật, lại còn lo đầu ra cho sản phẩm, giá cả… Thay vì đầu tư mà chưa biết may rủi thì tìm việc gì làm công ăn lương khỏe hơn”. Ngoài ra, nhiều trường hợp thanh niên bắt tay làm kinh tế, nhưng chỉ sau một lần thất bại đã nản chí.
Theo Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh, thời gian qua, các cấp đoàn, hội trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động với mục đích đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp như hỗ trợ vốn vay, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, định hướng lựa chọn mô hình phát triển kinh tế, thành lập các câu lạc bộ thanh niên giúp nhau làm kinh tế… Song, kết quả vẫn chưa được như mong muốn.
Các cấp hội cũng xác định, trong hành trình khởi nghiệp đầy thách thức, để có được thành công thì có rất nhiều vấn đề cần cung cấp, hỗ trợ cho thanh niên. Trước tiên đó là những hiểu biết đúng đắn, kiến thức cơ bản, định hướng ban đầu về lập thân, lập nghiệp cũng như những kinh nghiệm về những thành công, thất bại của những người đi trước. Việc khuyến khích, động viên thanh niên lập thân, lập nghiệp cũng sẽ gắn với việc chuẩn bị cho các bạn trẻ tâm lý kiên định, kiên trì, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm để vượt qua những khó khăn, thử thách.
Thực tế cho thấy, hiện nay, sự cạnh tranh về cơ hội việc làm, cơ hội lập thân, lập nghiệp ngày càng gay gắt. Vì vậy, bên cạnh việc trau dồi kiến thức, kỹ năng sống, đòi hỏi thanh niên phải có ý thức chủ động, sáng tạo, nhạy bén trong việc xây dựng kế hoạch, nắm bắt cơ hội và tự tạo cơ hội cho chính mình.