Hố thu gom rác thải tiện lợi trên cánh đồng Trúc Sơn
Việc tử tế - Ngày đăng : 10:14, 02/07/2020
Những ngày gần đây, trên cánh đồng Trúc Sơn nhộn nhịp tiếng người, tiếng máy móc. Tại nhiều chân ruộng có nước, bà con đang tích cực dùng máy móc làm đất. Một số chân ruộng khác, bà con đang xuống giống. Nhiều nơi trên cánh đồng, bà con đang tiến hành phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng.
Các hố rác bê tông hình tròn, cao khoảng 1m và nắp đậy được bố trí trên các trục đường, hệ thống mương trên cánh đồng Trúc Sơn |
Dù có nhiều người phun thuốc cho cây trồng, nhưng hầu như trên cánh đồng Trúc Sơn không có rác thải như chai lọ, bao bì, vỏ đựng thuốc bảo vệ thực vật... bởi các loại rác thải đã được người dân đưa về tập kết ở hố rác thải bê tông ngay trên cánh đồng. Chị Nguyễn Thị Lan, một hộ dân canh tác trên cánh đồng Trúc Sơn chia sẻ: Mình làm lúa lâu năm, nên biết trong quá trình gieo trồng, chăm sóc thường sử dụng không ít thuốc trừ cỏ, trừ sâu… Từ khi trên cánh đồng này được lắp đặt các hố rác bằng bê tông, chúng tôi đã thu gom rác đưa về tập kết tại hố rác để xử lý.
Các hố rác bằng bê tông hình tròn, đường kính khoảng 80 cm, cao gần 1m, có lỗ thoát nước và có nắp đậy được Hội Nông dân xã Trúc Sơn lắp đặt trên cánh đồng từ cuối năm 2019. Các hố rác được bố trí ở các trục đường giao thông và trên toàn bộ trục đường mương thủy lợi dài 2,5 km của cánh đồng Trúc Sơn.
Hội Nông dân xã Trúc Sơn tổ chức thu gom, tiêu hủy rác thải trên cánh đồng |
Theo bà Lê Thị Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trúc Sơn, cánh đồng lúa của xã có quy mô gieo trồng khoảng 40 ha lúa nước 2 vụ. Trước đây, trong quá trình canh tác, người dân thường sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật để trừ sâu, diệt cỏ. Bao bì và chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật sau khi người dân sử dụng thường bị bỏ lại ở các bờ mương, chân ruộng, thậm chí ném xuống mương thủy lợi đã gây ô nhiễm môi trường.
Vì vậy, Hội Nông dân xã Trúc Sơn đã đưa ra sáng kiến lắp đặt các hố bê tông để làm nơi thu gom rác thải. Hội Nông dân xã phối hợp với cán bộ nông dân địa phương và người dân trực tiếp khảo sát, tham gia lắp đặt các hố rác trên cánh đồng. “Sau khi lắp đặt, chúng tôi thường xuyên tổ chức thu gom, tiêu hủy rác thải hàng tháng, hàng quý. Hội cũng tăng cường tuyên truyền đến từng hội viên để bỏ rác, bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Số tiền lắp đặt các hố rác không nhiều (khoảng 1 triệu đồng/1 cái) nhưng điều chúng tôi rất mừng là người dân địa phương đã thay đổi nhận thức, hưởng ứng và chung tay cùng bảo vệ môi trường từ những việc làm nhỏ”, bà Hoa cho hay.
Việc xây dựng các hố rác đã và đang góp phần nâng cao ý thức của người dân, góp phần bảo vệ môi trường trên cánh đồng Trúc Sơn |
Theo ông Đỗ Duy Nam, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Cư Jút, việc lắp đặt các hố rác thu gom trên cánh đồng Trúc Sơn của hội nông dân địa phương có thể xem là một việc làm thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ khảo sát ở một số cánh đồng, khu vườn rẫy ở các xã trên địa bàn để thử nghiệm lắp đặt các hố rác này. Sau khi thu gom, xử lý bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sẽ hạn chế các chất thải độc hại ra môi trường. Chúng tôi cũng hy vọng việc làm nhỏ này sẽ góp phần thay đổi nhận thức của người dân địa phương trong việc chung tay bảo vệ môi trường, nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới”, ông Nam cho hay.