Hoạt động thư viện trường học: Chưa thu hút được sự quan tâm của giáo viên, học sinh

Giáo dục - Đào tạo - Ngày đăng : 10:37, 22/12/2011

Trong những năm qua, cùng với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, hệ thống thư viện trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có 191/343 trường học có thư viện; trong đó, có 46 thư viện đạt chuẩn quốc gia...

Trong những năm qua, cùng với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, hệ thống thư viện trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có 191/343 trường học có thư viện; trong đó, có 46 thư viện đạt chuẩn quốc gia. Cụ thể, bậc tiểu học có 103 thư viện; bậc THCS có 60 thư viện, bậc THPT có 22 thư viện và 6 thư viện ở các Trung tâm giáo dục thường xuyên. Hàng năm, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh đã đầu tư cho các thư viện trên 3 tỷ đồng để phục vụ cho việc mua sách, trang thiết bị và tổ chức các hoạt động liên quan khác. Để hoạt động có hiệu quả, nhiều trường học cũng đã tích cực đầu tư, cập nhật, bổ sung thêm nhiều tài liệu, sách báo chuyên ngành, phục vụ nhu cầu đọc sách của giáo viên và học sinh. Ngoài ra, với việc xây dựng tủ sách dùng chung, mỗi năm các trường học trong tỉnh đã quyên góp được số lượng lớn sách giáo khoa để tặng, cho mượn đối với những học sinh là con gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không để các em thiếu sách học. Tính đến nay, tổng số đầu sách trong các thư viện trường học có 408.449 bản; trong đó, tủ sách đạo đức có 4.431 bản, tủ sách giáo dục pháp luật có 3.828 bản và tủ sách dùng chung có 400.190 bản.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Gia Nghĩa) đọc sách ở thư viện của nhà trường

Tuy nhiên, bên cạnh những thư viện hoạt động có hiệu quả, phát huy được vai trò, tác dụng của mình như thư viện Trường THPT Trần Hưng Đạo (Đắk Mil), Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Gia Nghĩa)… thì nhiều thư viện trường học hiện nay vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của giáo viên và học sinh. Ngoài do không có thói quen đọc sách của một bộ phận học sinh, giáo viên thì còn do số lượng, chủng loại sách ít, còn sách tham khảo chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu nâng cao kiến thức lại ít. Em Nguyễn Thị Ái Trinh, học sinh Trường THPT Phạm Văn Đồng (Đắk R’lấp) cho biết: “Thư viện nhà trường cũng có nhiều loại sách hay, nhưng những sách bài tập nâng cao vẫn còn rất ít. Có mấy quyển thì em đã đọc hết rồi, phải mua sách tham khảo ở ngoài là chủ yếu nên em cũng ít đến thư viện”. Cùng với sự nghèo nàn về chủng loại sách, báo thì hệ thống cơ sở vật chất, các trang thiết bị trong thư viện phần lớn còn chưa đồng bộ. Thậm chí, nhiều trường vẫn chưa có tủ đựng sách, ánh sáng còn chưa đạt yêu cầu, nhiều phòng đọc còn được tận dụng để làm nơi cất giữ đồ dùng, thiết bị dạy học. Không ít trường thì có điều kiện về cơ sở vật chất, nhưng việc bố trí, sắp xếp sách, tạp chí, tài liệu… lại không hợp lý, không thuận tiện cho việc tìm đọc. Nhiều giáo viên cho rằng, những loại sách phù hợp với ý thích rất ít. Về phía học sinh thì có em chưa một lần đến thư viện nhà trường bởi hầu hết thời gian đã dành cho học chính khóa, học thêm… Còn nhiều em thì lại “ngại” khi đến thư viện vì nhiều nguyên nhân khác nhau như các thủ tục khi mượn cũng phức tạp, phải chờ lâu mới mượn được, không gian chật hẹp…

Một nguyên nhân nữa khiến cho các thư viện trường học không thu hút được giáo viên, học sinh là do sự hạn chế của lực lượng thủ thư. Hiện nay, đội ngũ cán bộ thư viện đã từng bước tăng cả về số lượng và trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, do hết chỉ tiêu biên chế, nhiều trường không thể tuyển được cán bộ thư viện chuyên trách mà bố trí giáo viên kiêm nhiệm, nên chất lượng hiệu quả không cao. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo thì hiện nay toàn tỉnh có 223 cán bộ chuyên trách công tác thư viện thì trong đó có đến 65 người làm kiêm nhiệm. Ngoài ra, việc tổ chức mượn, trả và quản lý sách còn thiếu khoa học cũng như các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách chưa phong phú và thường xuyên…

Để phát huy hiệu quả của hoạt động thư viện trường học, trước hết, các nhà trường cần nâng cao ý thức và rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh; đồng thời cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư sách hay, tài liệu hợp lý, thiết thực, tạo điều kiện để giáo viên và học sinh có thể mượn sách ở thư viện. Ngoài ra, ngành Giáo dục cũng cần chú trọng hơn nữa đến việc đầu tư về cơ sở vật chất để nâng cao hiệu quả hoạt động của những thư viện hiện có cũng như thành lập các thư viện mới ở những trường chưa có. 

Nguyễn Hiền