Sẽ thành lập Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo
Giáo dục - Đào tạo - Ngày đăng : 09:33, 26/02/2014
Phiên họp nhằm thảo luận, đóng góp ý kiến vào 3 nội dung, gồm: dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT); việc thành lập Ủy ban quốc gia đổi mới GD-ĐT; đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Trong đó, dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương đề ra một số nhiệm vụ chủ yếu như: nâng cao nhận thức về vai trò quyết định chất lượng GD-ĐT của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ chương trình giáo dục tất cả các bậc học, ngành học theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực người học. Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục, bảo đảm trung thực, khách quan theo yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT. Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính; tăng cường cơ sở vật chất, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục...
Tại phiên họp, Bộ GD-ĐT cũng đã trình bày dự thảo quyết định về việc thành lập Ủy ban quốc gia đổi mới GD-ĐT. Theo đó, Chủ tịch ủy ban là Thủ tướng Chính phủ. Một trong các chức năng và nhiệm vụ của ủy ban này là giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Về dự thảo đề án đổi mới CT-SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 có 3 phần, gồm mục tiêu, phạm vi và nhiệm vụ, nội dung đề án. Đáng chú ý, dự thảo đề án đề ra 2 giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 2014 - 2015, hoàn thành cơ bản một số công việc chính như: cơ sở khoa học về đổi mới CT-SGK, chuẩn bị các nguồn lực để xây dựng, biên soạn và thẩm định CT-SGK. Xây dựng chương trình tổng thể, chương trình môn học và biên soạn các SGK thử nghiệm lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý về thử nghiệm CT-SGK lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Tổ chức sơ kết thực hiện đề án đến năm 2015.
Giai đoạn 2016-2020, hoàn thành việc thử nghiệm và ban hành CT-SGK mới. Biên soạn SGK thử nghiệm những môn học ở các lớp: 2, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 11 và 12. Hoàn thành việc thử nghiệm và đánh giá CT-SGK. Hoàn thành việc chỉnh sửa, hoàn thiện, ban hành CT-SGK, danh mục thiết bị dạy học tối thiểu và tài liệu hướng dẫn thực hiện. Từng bước triển khai thực hiện CT-SGK mới phù hợp với điều kiện từng địa phương, nhà trường…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện 3 nội dung trên. Về chương trình hành động, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị bộ rà soát, tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện để Chính phủ ban hành chương trình này vào tháng 3/2014 trên tinh thần bám sát Nghị quyết của Trung ương, đảm bảo GD-ĐT thật sự là quốc sách hàng đầu, thực sự được đổi mới căn bản, toàn diện để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về đề án đổi mới CT-SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng vấn đề này đã trình Quốc hội, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đề án tham gia cùng với các ủy ban của Quốc hội bổ sung, hoàn thiện để khi Nghị quyết Quốc hội ban hành phù hợp với thực tiễn. Về việc thành lập Ủy ban quốc gia đổi mới GD-ĐT, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ sẽ ban hành quyết định về việc thành lập ủy ban này trong tháng 3/2014.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, dự kiến giữa năm 2014, Quốc hội thảo luận và ra nghị quyết mới thay cho Nghị quyết 40 thay CT-SGK. Lúc đó, bộ sẽ công bố chính thức đề án đổi mới CT-SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015.