Đa dạng hóa các hình thức vận động học sinh đến trường
Giáo dục - Đào tạo - Ngày đăng : 10:13, 07/09/2020
Đi từng ngõ, gõ từng nhà
Trường THCS Nguyễn Chí Thanh ở phường Quảng Thành (Gia Nghĩa) hàng năm có khoảng 1/3 học sinh dân tộc thiểu số, có nhà ở xa trường. Năm học vừa qua, do nghỉ học lâu để phòng, chống dịch nên có nhiều học sinh có ý định bỏ học, trong đó có 4 em gia đình đặc biệt khó khăn, nhà ở xa nên không quay lại trường. Sau khi đến tận nhà vận động, các em đã trở lại trường học hết chương trình.
Cán bộ, giáo viên huyện Đắk Glong đến từng nhà vận động học sinh đến trường |
Theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thúy, năm học 2020-2021, Trường THCS Nguyễn Chí Thanh có khoảng trên 290 học sinh các khối lớp. Hiện nay, trường đã phối hợp với tổ dân phố, văn hóa phường vận động học sinh tựu trường ngày 1/9 và khai giảng 5/9. Giáo viên chủ nhiệm chủ động duy trì liên lạc, nắm bắt thông tin học sinh và vận động các em đến trường.
Sau ngày 1/9, trường giao các khối lớp tổng hợp, rà soát danh sách, sĩ số học sinh và tiếp tục tổ chức các đoàn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động những học sinh chưa đến trường. Hiện nay, trường đã chuẩn bị nơi ở bán trú miễn phí cho những em có nhà ở xa được ở lại. Trong năm học, trường sẽ hỗ trợ các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn các nhu yếu phẩm cần thiết, có thêm điều kiện đến lớp.
Trường THCS Quảng Hòa ở xã Quảng Hòa (Đắk Glong) hàng năm luôn có số lượng lớn học sinh nghỉ học giữa chừng, nhất là năm học 2019-2020 vừa qua do thời gian nghỉ học dài. Để hạn chế số học sinh nghỉ học trong năm học 2020-2021, trường đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng giáo viên chủ nhiệm, các tổ chức đoàn thể phối hợp với chính quyền xã tăng cường các hình thức vận động.
Thầy Nguyễn Quang Trung, giáo viên của trường cho biết: “Do nhiều nguyên nhân nên dù tăng cường tuyên truyền nhưng gần như năm nào lớp tôi chủ nhiệm cũng có vài em có ý định bỏ học giữa chừng. Trong thời gian nghỉ hè, tôi thường xuyên liên lạc với học sinh qua nhóm zalo, nhờ các em cùng nhắc nhở những bạn khác đến trường đúng thời gian quy định. Bất kỳ khi nào có thể hoặc thuận đường, tôi đều ghé nhà những em ở xa để dặn dò chuẩn bị đi học trở lại”.
Sử dụng mạng xã hội
Việc sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để phục vụ cho công tác liên quan đến giáo dục đã trở nên phổ biến hơn sau thời gian nghỉ học phòng, chống dịch. Ngoài tin nhắn Edu, các trường tận dụng mạng xã hội để tuyên truyền, vận động, tuyển sinh.
Trang tin "Mẫu giáo Hoa Sen" trên facebook của Trường mẫu giáo Hoa Sen ở xã Đắk R’La (Đắk Mil) là một điển hình. Thông qua trang thông tin, trường kết nối được gần 1.000 lượt tương tác của phụ huynh, cán bộ địa phương, giáo viên... Qua trang tin, trường chuyển tải các thông tin liên quan đến việc học tập của học sinh như các thông báo, tuyển sinh, kế hoạch năm học…
Trường mầm non Hoa Mai ở xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) cũng nhờ áp dụng công nghệ thông tin nên công tác tuyển sinh diễn ra thuận lợi hơn so với các năm trước. Các thông tin về ngày, giờ nộp hồ sơ, thành phần hồ sơ tuyển sinh, các tuyến tuyển sinh theo quy định của địa phương đều được đăng tải công khai. Những thắc mắc của phụ huynh được cán bộ tuyển sinh tương tác, trả lời trực tiếp nên phụ huynh tiếp cận nắm bắt, nộp hồ sơ đúng hạn.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Tố Hải cho biết: “Đây là năm đầu tiên trường triển khai tuyển sinh trực tuyến và thấy rất hiệu quả. Phụ huynh nắm bắt được các thủ tục, giấy tờ cần thiết nên không phải đi lại nhiều, thậm chí có thể đăng ký trực tuyến cho con em mình”.
Hạn chế học sinh bỏ học giữa chừng
Theo ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ của năm học vừa qua. Thời gian nghỉ học kéo dài, gây khó khăn cho công tác huy động học sinh quay lại lớp, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chưa quay lại trường còn khá nhiều với 466 em, chiếm 0,27% tổng số học sinh. Nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa còn xảy ra tình trạng học sinh bỏ học để lập gia đình.
Vì vậy, chuẩn bị bước vào năm học mới, ngành Giáo dục khuyến khích các trường triển khai nhiều giải pháp phù hợp với thực tế địa phương nhằm đẩy mạnh công tác tuyển học sinh trong độ tuổi ra lớp, vận động học sinh đến trường. Việc tăng cường kết nối, tương tác với phụ huynh, học sinh kể cả trực tiếp và gián tiếp là hình thức hiệu quả nhằm chuyển tải các chủ trương, các nội dung liên quan đến việc học tập của con em. Các trường cần tạo được sự đồng thuận cao hơn nữa của phụ huynh trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục, hạn chế tối đa được tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng.
Cũng theo ông Hải, đến thời điểm cuối tháng 8, các trường học ở khu vực trung tâm đã hoàn thành công tác tuyển sinh. Các trường học vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, công tác tuyển sinh mới chỉ hoàn thành 70-80% chỉ tiêu và vẫn tiếp tục kết hợp biện pháp đến tận nhà vận động phụ huynh học sinh.