Nhiều cơ hội việc làm cho lao động có tay nghề lĩnh vực công nghiệp
Giáo dục - Đào tạo - Ngày đăng : 08:41, 17/12/2021
P.V: Ông đánh giá như thế nào về diễn biến nhu cầu lao động trong nước và nước ngoài thời gian gần đây ?
Ông Nguyễn Hữu Lành: Thị trường lao động Việt Nam thời gian gần đây nổi bật hai đặc điểm chính. Thứ nhất là thị trường lao động đang hòa nhịp với nền kinh tế hội nhập.
Thứ hai là thị trường lao động bắt buộc phải tiến tới cuộc cách mạng 4.0. Trong đó phải lấy công nghệ làm chủ đạo và có những sản phẩm cụ thể của công nghệ tự động như tự động hóa quá trình sản xuất, robot…
Như vậy, nguồn nhân lực của chúng ta phải có sự thay đổi lớn. Lao động phổ thông như trước đây dần được thay thế. Nguồn lao động hiện nay và thời gian tới đòi hỏi phải qua đào tạo, đấy là yếu tố tất yếu.
Nói về thị trường lao động nước ngoài, những năm gần đây sôi động nhất là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Romania, Trung Quốc, Singapore, Uzbekistan, Algeria… Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, thị trường xuất khẩu lao động cũng bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, nên chỉ đạt khoảng 41% so với cùng kỳ những năm trước.
Hi vọng trong thời gian không xa, các nước trên thế giới ổn định và thị trường xuất khẩu lao động sẽ sôi động trở lại. Nguồn việc làm của nước ngoài vẫn đang rất lớn, nhất là nhóm ngành công nghiệp bao gồm: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; điện tử - viễn thông; năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Đồ họa: Bình Minh - Thanh Nga |
P.V: Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông đã và đang tập trung đào tạo lao động ở lĩnh vực nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Lành: Trong 3 năm qua, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông tập trung xây dựng và phát triển chương trình đào tạo những nhóm ngành nghề thuộc các lĩnh vực công nghiệp.
Đây là mục tiêu phục vụ nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước và nước ngoài. Lĩnh vực công nghiệp, phần lớn thuộc nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, là một trong những nhóm ngành chiến lược phát triển của quốc gia và tỉnh Đắk Nông. Do đó, trường cũng tập trung đào tạo lao động ở lĩnh vực này.
Trường có 10 ngành nghề đào tạo được các doanh nghiệp trong nước ký kết hợp tác đào tạo và tuyển dụng lao động như: điện công nghiệp, cắt gọt kim loại, công nghệ ô tô, công nghệ thông tin...
Trong đó, trường có 2 ngành được Bộ LĐTBXH chọn để đầu tư trọng điểm. Đó là điện công nghiệp và công nghệ ô tô. Năm học 2021-2022, nhà trường đào tạo 760 học sinh, sinh viên hệ cao đẳng, trung cấp, trong đó trên 50% học viên liên quan đến lĩnh vực công nghiệp.
P.V: Thưa ông, hướng đào tạo nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp của trường sẽ như thế nào ?
Ông Nguyễn Hữu Lành: Ngày 9/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 tại Quyết định số 879/QĐ-TTg. Theo đó, vùng Tây Nguyên tập trung phát triển công nghiệp chế biến cây công nghiệp; khai thác và chế biến khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng.
Tỉnh Đắk Nông cũng định hướng, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia, phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.
Với xu thế đó, nhà trường tiếp tục đào tạo và phát triển các nhóm ngành nghề chính như kỹ thuật công nghệ, điện công nghiệp, điện - điện tử, cắt gọt kim loại, công nghệ ô tô, công nghệ thông tin và may thời trang...
Giai đoạn tới, cơ hội tìm việc làm và thu nhập ổn định của lao động có tay nghề lĩnh vực công nghiệp là rất lớn. Đây cũng là cơ sở để trường thu hút học viên, đào tạo nghề.
Hiện nay, trường đã ký kết biên bản thỏa thuận, hợp tác với hơn 40 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về việc hỗ trợ nơi thực tập, nhận vào làm việc sau khi tốt nghiệp nếu học sinh, sinh viên có nhu cầu.
P.V:Trân trọng cảm ơn ông!