Luồng gió nâng cao chất lượng giáo dục

Giáo dục - Đào tạo - Ngày đăng : 09:15, 14/02/2022

Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của ngành Giáo dục. Nhờ đó, mặt bằng chất lượng giáo dục cả nước nói chung và Đắk Nông nói riêng đã có những chuyển biến tích cực.

Thay đổi diện mạo giáo dục

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Đề án "Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020" do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây đã phần nào đánh giá toàn diện những kết quả. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, việc triển khai Đề án đã góp phần tích cực trong nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng phần nào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.

Hưởng lợi từ Đề án, hệ thống trường chuyên trong cả nước được củng cố và phát triển. Mỗi tỉnh, thành trực thuộc trung ương đã có ít nhất một trường chuyên. Số học sinh chuyên chiếm khoảng 2,7% số học sinh THPT trên toàn quốc. Các trường chuyên được nâng cấp đầu tư thành các trường đạt chuẩn quốc gia và có chất lượng giáo dục cao. Hầu hết các trường được ưu tiên đầu tư mở rộng diện tích, xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường phương tiện, thiết bị…

Đến năm 2020, cả nước số trường chuyên đạt chuẩn quốc gia là 60/77 trường. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được quan tâm nâng cao cả chất lượng và số lượng. Tỷ lệ cán bộ, giáo viên đạt trình độ tiến sĩ, thạc sĩ ngày càng tăng, chiếm 1,57% trong tổng số cán bộ, giáo viên trường chuyên. Chất lượng giáo dục trong các trường chuyên có chuyển biến cơ bản theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới.

Từ năm 2019-2020, tỷ lệ học sinh giỏi của trường chuyên tăng 77% so với năm 2010-2011. Có 38/61 tỉnh, thành có tỷ lệ học sinh giỏi trường chuyên đạt 70% trở lên.

Chất lượng giáo dục Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh từng bước được khẳng định. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Đắk Nông từng bước khẳng định vị thế

Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh (Gia Nghĩa) mặc dù thành lập muộn hơn các trường chuyên khác nhưng đã từng bước khẳng định được vị thế của mình. Theo Hiệu trưởng Phạm Ngọc Bảo, trường thành lập năm 2013 với đội ngũ 35 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó chỉ có 8 thạc sĩ. Đến nay, trường đã có 35 thạc sĩ/69 cán bộ quản lý, giáo viên. 20% cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng được ngoại ngữ trong dạy, giao tiếp.

Số lượng học sinh qua các năm tăng đáng kể. Năm học 2021-2022, số học sinh của trường chiếm 4,1% học sinh THPT toàn tỉnh với 918/22.200 học sinh. So với chỉ tiêu đặt ra của Đề án, tỷ lệ học sinh của trường vượt 2%. Tỷ lệ học sinh đạt học lực loại giỏi chiếm trên 67%, hạnh kiểm tốt chiếm trên 99%.

Trường cũng đạt thành tích cao trong các lĩnh vực như: thi hùng biện tiếng Anh; thi sáng tạo thanh thiếu niên, khoa học kỹ thuật; thi tin học trẻ toàn quốc; thi Olympic quốc gia…Học sinh đạt giải nhất cuộc thi hùng biện tiếng Anh cụm Tây Nguyên do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức. Nhiều học sinh khối 12 thi đạt các chứng chỉ IELST 7.0, 7.5 và 8.0.

Trường đạt giải vô địch trong Cuộc thi “Cuộc đua Vinfast” của Trường đại học VINUNI thuộc Tập đoàn VinGroup tổ chức; đạt giải 3 toàn quốc Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên.

Quyết tâm vươn lên

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Toàn, để triển khai Đề án hiệu quả hơn trong giai đoạn 2022-2023, Sở sẽ tập trung chỉ đạo từng bước hoàn thiện số lượng và chất lượng đội ngũ nhà giáo, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên được giao lưu học hỏi với các trường tiên tiến, chất lượng cao trong nước và nước ngoài.

Tỉnh cũng xây dựng chính sách đãi ngộ xứng đáng cho giáo viên tài năng và trình độ tay nghề cao. Toàn trường tập trung đa dạng hóa các hình thức dạy học, chương trình phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giảng dạy học vẫn luôn là nhiệm vụ xuyên suốt để trường từng bước khẳng định vị thế và vươn tầm cùng các  trường chuyên phát triển trong cả nước.

Nguyễn Hiền