Chủ động các phương án, kịch bản tổ chức dạy học linh hoạt
Giáo dục - Đào tạo - Ngày đăng : 10:00, 14/03/2022
Thống kê, toàn tỉnh hiện có 368 cơ sở giáo dục, trong đó có 42 cơ sở giáo dục ngoài công lập. Các cấp học hiện có 178.618 học sinh với 5.495 nhóm, lớp. Cụ thể, giáo dục mầm non có 34.386 trẻ với 1.3.19 nhóm lớp; bậc tiểu học có 75.067 học sinh với 2.402 lớp; bậc THCS có 46.476 học sinh với 1.233 lớp; bậc THPT có 21.525 học sinh với 541 lớp.
Trên cơ sở khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản liên quan, chỉ đạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện kế hoạch năm học ở các cấp học.
Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng các phương án, kịch bản tổ chức dạy học cụ thể với hình thức linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng, điều kiện thực tế, bảo đảm phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học".
Sở GD-ĐT tổ chức các cuộc họp trực tuyến để kịp thời hướng dẫn triển khai các biện pháp tổ chức dạy học thích ứng phòng, chống dịch |
Sở đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, cung ứng sách giáo khoa tới nhà trường, học sinh và phụ huynh, kịp thời phục vụ năm học 2021-2022.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trên cơ sở chỉ đạo của Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT các huyện, thành phố căn cứ tình hình thực tế, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng các phương án, kịch bản tổ chức dạy học linh hoạt, phù hợp với khả năng điều kiện thực tế của địa phương, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.
Ở bậc mầm non, các cơ sở giáo dục luôn trong tâm thế sẵn sàng các phương án tổ chức các hoạt động giáo dục và hỗ trợ cha mẹ chăm sóc, giáo dục trẻ trong tình hình phòng, chống dịch. Các trường chủ động điều chỉnh kế hoạch chăm sóc giáo dục trẻ từng tháng, lựa chọn nội dung giáo dục cốt lõi, cần thiết trong chương trình giáo dục mầm non hiện hành để xây dựng và phát triển kế hoạch giáo dục phù hợp điều kiện, thời gian, đáp ứng mục tiêu đặt ra. Giáo viên tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý và tổ chức cho trẻ em hoạt động vui chơi tại nhà.
Các cơ sở giáo dục mầm non phân công nhiệm vụ cụ thể vừa hỗ trợ giáo viên các lớp 5-6 tuổi trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục ở trường, vừa linh hoạt các biện pháp kết nối với phụ huynh và trẻ em bằng các kênh liên lạc phù hợp. Các trường giới thiệu, tuyên truyền phụ huynh theo dõi kênh truyền hình VTV1 và VTV7 hàng ngày để được hướng dẫn chế độ dinh dưỡng khoa học hợp lý và tổ chức hoạt động vui chơi, học tập cho trẻ.
Trường THPT Đắk Song tranh thủ dạy học trực tiếp đối với các lớp không có nguy cơ lây nhiễm dịch cao |
Đối với bậc phổ thông, các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học linh hoạt, phù hợp với địa phương và theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Các nhà trường tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá chất lượng học sinh, vận dụng linh hoạt và có hiệu quả nhiều phương pháp dạy học tích cực.
Các hình thức dạy học ngày càng được đa dạng hóa, với việc tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin để dạy trực tuyến, bảo đảm phòng, chống dịch
Đến nay, chất lượng giáo dục trung học được nâng lên, chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt những kết quả ấn tượng. Cùng với đó, các bậc học đã triển khai thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD-ĐT, mặc dù gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh nhưng các nhà trường, giáo viên đã dần thích ứng và linh hoạt trong việc tổ chức các hoạt động dạy và học. Các nhà trường kết hợp nhiều hình thức dạy học phù hợp với điều kiện thực tiễn như dạy online, kết hợp trực tuyến và trực tiếp…
Từ nhiều nguồn hỗ trợ, học sinh cơ bản được trang bị đầy đủ các phương tiện học tập khi triển khai dạy online. Chất lượng giáo dục các bậc học có những chuyển biến tích cực so với năm học trước. Hiện nay, các cấp học đang tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, trong đó đẩy mạnh hơn các giải pháp để nâng cao chất lượng, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.