Đắk R'lấp với hành trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia
Giáo dục - Đào tạo - Ngày đăng : 09:46, 24/05/2022
Tạo diện mạo mới
Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm ở xã Kiến Thành (Đắk R’lấp) được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2008 và đến năm 2016 được công nhận lại. Hiện tại, trường đang phấn đấu để được công nhận lại vào năm 2023. Với sự đồng lòng của đội ngũ cán bộ, giáo viên, chất lượng giáo dục ngày càng có những chuyển biến tích cực.
Cô giáo Trịnh Thị Hồng, Hiệu phó nhà trường chia sẻ: “Trường có đa số học sinh là con em dân tộc thiểu số, con hộ nghèo cũng khá nhiều. Nhưng điều đáng mừng nhất là phụ huynh học sinh luôn đồng hành với nhà trường trong thực hiện xã hội hóa giáo dục. Phụ huynh đã tự nguyện góp công, góp của, tự làm nhiều công trình phụ, cải thiện môi trường học tập cho con em từ thư viện, sân trường, khu giáo dục thể chất. Đây cũng là cơ sở để trường từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đại trà cũng như mũi nhọn”…
Thống kê của Phòng GD-ĐT huyện, đến nay toàn huyện có 33/42 trường đạt chuẩn quốc gia từ bậc mầm non đến THCS. Nhờ xây dựng trường đạt chuẩn, quy mô các trường học được quy hoạch hợp lý, cơ bản ổn định. Các loại hình học tập được tổ chức phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh học tập. Cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Trường tiểu học Lê Đình Chinh ở xã Nhân Cơ đạt chuẩn quốc gia |
Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có nhận thức cao về nhiệm vụ và trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết, không quản ngại khó khăn trong huy động, duy trì số lượng học sinh và thực hiện tốt các hoạt động giáo dục. Tỷ lệ giáo viên trên chuẩn, giáo viên dạy giỏi các cấp ngày càng tăng.
Cán bộ quản lý chủ động, năng động, linh hoạt, sáng tạo trong công tác tham mưu, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Công tác quản lý kỷ cương trường học được nâng cao. Việc đổi mới phương pháp quản lý, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá ngày càng hiệu quả. Công tác xã hội hóa giáo dục từng bước được đẩy mạnh.
Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân về mục đích, ý nghĩa, vai trò, nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn quốc gia có nhiều chuyển biến rõ rệt. Các nguồn lực huy động hỗ trợ cho giáo dục được sử dụng có hiệu quả và phát huy tác dụng tốt. Chất lượng và giáo dục các trường chuẩn ổn định, luôn được củng cố và phát triển toàn diện.
Tiếp tục khắc phục hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của huyện cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Một số trường có diện tích đất tại điểm trường chính còn hẹp, hoặc có nhiều điểm trường lẻ nên việc quản lý và tổ chức hoạt động còn gặp khó khăn.
Từ năm 2019 đến nay, số lượng giáo viên của huyện còn thiếu nhiều, hiện còn thiếu 115 giáo viên nên khó khăn trong triển khai các hoạt động dạy và học. Một số trường đang thiếu phòng đa năng, thể chất theo quy định đạt chuẩn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường tổ chức ăn bán trú, bếp ăn còn tạm bợ chưa đúng theo quy trình một chiều.
Nhờ chú trọng xây dựng, củng cố chuẩn quốc gia, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm có điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục bền vững |
Theo ông Phan Văn Tấn, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk R'lấp thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, khó khăn trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn. Cụ thể, công tác tuyên truyền của một số trường chưa mang tính chiều sâu. Những cơ sở còn lại phần lớn chưa đáp ứng đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, các phòng chức năng, sân chơi, bãi tập…
Công tác xã hội hóa giáo dục ở nhiều trường học còn gặp khó khăn. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương về xây dựng trường chuẩn còn hạn chế, chưa phát huy được nguồn lực trong dân.
Ông Phan Văn Tấn cho biết: “Xây dựng trường chuẩn quốc gia được huyện xác định là nhiệm vụ hàng năm. Cùng với việc tập trung củng cố, hoàn thiện thêm các tiêu chí của những trường đã đạt chuẩn, huyện tiếp tục khắc phục hạn chế, chú trọng ưu tiên đầu tư có tập trung một số trường tiệm cận các tiêu chuẩn để nâng số trường chuẩn các cấp trên địa bàn huyện”.