Bộ GD&ĐT: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy chế
Giáo dục - Đào tạo - Ngày đăng : 06:45, 09/07/2022
Chiều 8/7, Bộ GD&ĐT họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 chủ trì họp báo.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 chủ trì họp báo. Ảnh: VGP |
Đây là năm thứ ba kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức. Nếu 2 năm trước phải tổ chức thành 2 đợt thi do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thì năm nay kỳ thi thuận lợi hơn khi tổ chức trong 1 đợt.
Năm 2022 cũng là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT triển khai cho thí sinh học lớp 12 đăng ký thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Đến ngày 28/6, có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó thí sinh đăng ký trực tuyến chiếm tỉ lệ 93,12%.
Theo Bộ GD&ĐT, các buổi thi diễn ra theo đúng kế hoạch và quy định. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.002.432. Trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 933.510, chiếm 93,12%; số thí sinh đăng ký trực tiếp là 68.922, chiếm 6,88%. Tổng số thí sinh tự do là 43.373, chiếm 4,33%. Tổng số thí sinh chỉ xét tốt nghiệp là 83,134, chiếm 8,29%. Tổng số thí sinh chỉ xét tuyển sinh là 39,184, chiếm 31,86%. Tổng số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên là 330.357, chiếm 31,86%. Tổng số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội là 555,878, chiếm 55,45%.
Tổng số điểm thi: 2.243; tổng số phòng thi: 42.293. Các điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.
Tổng số thí sinh dự thi: 989.863 đạt tỉ lệ 98,75% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi, trong đó, môn Ngữ văn là 99,6%, Toán 99,59%, Khoa học tự nhiên 99,68%, Khoa học xã hội 99,59%, Ngoại ngữ 97,2%.
Số thí sinh thuộc diện F0 là 79 em của 20 hội đồng thi. Trong đó, số thí sinh đến dự thi là 18 và số thí sinh không đến dự thi là 61.
Số thí sinh vi phạm quy chế thi là 50 em bị đình chỉ thi (Ngữ văn 12 thí sinh, Toán 10, Khoa học tự nhiên 10, Khoa học xã hội 11, Tiếng Anh 7, trong đó có 6 thí sinh mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi, 43 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi). Không có cán bộ vi phạm quy chế.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc tăng cường chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021. Chỉ thị nhấn mạnh nhiệm vụ tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh trong trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng, chống hiệu quả dịch COVID-19.
Việc tổ chức kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy chế. Công tác chuẩn bị kỳ thi tại các địa phương rất chặt chẽ, bài bản, khoa học. Tất cả các tỉnh, thành phố đều đã ban hành chỉ thị về công tác tổ chức thi, thành lập các ban chỉ đạo, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức kỳ thi; bảo đảm các quy định phòng dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, dự phòng các tình huống có thể xảy ra như thiên tai, mưa lũ, dịch bệnh...
Gọn nhẹ và thành công
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng Lê Mỹ Phong cho biết, công tác kiểm tra chuẩn bị thi được các lãnh đạo Bộ GD&ĐT thực hiện liên tục, xuyên suốt từ ngày 24/6 đến ngày 5/7. Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi đã thành lập 5 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 24 địa phương trên toàn quốc; thành lập 10 đoàn kiểm tra của Bộ kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 địa phương.
Các địa phương còn lại được Ban Chỉ đạo kiểm tra bằng hình thức trực tuyến. Thông qua hoạt động kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương, các hội đồng thi khắc phục kịp thời những bất cập, thiếu sót để bảo đảm thực hiện nghiêm túc quy chế, quy định trong tổ chức kỳ thi, nhất là tạo mọi điều kiện cho các thí sinh tham gia kỳ thi đạt kết quả.
Một trong những điểm nhấn của kỳ thi năm này là công tác ra đề và in sao, vận chuyển, giao nhận, bảo quản và sử dụng đề thi đúng quy định bảo đảm bảo mật, an toàn. Theo đó, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Các nội dung dạy học được điều chỉnh do tác động của dịch COVID-19 (năm học 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022) không được đưa vào đề thi năm nay.
Đề thi gốc được bàn giao cho các hội đồng thi để tổ chức in sao kịp thời, bảo đảm bảo mật tuyệt đối. Các sở GD&ĐT đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai công tác in sao, vận chuyển, bàn giao đề thi để tổ chức thi tại địa phương. Việc bảo quản và sử dụng đề thi tại các điểm thi bảo đảm an toàn, bảo mật đáp ứng yêu cầu tổ chức thi.
Công tác phòng chống gian lận công nghệ cao được quan tâm chỉ đạo và quán triệt đến các hội đồng thi và các điểm thi, đến từng cán bộ tham gia công tác thi. Trong đó có sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực của các đơn vị chức năng của Bộ Công an. Các hội đồng thi đã thực hiện nghiêm theo hướng dẫn thi năm nay trong việc bố trí địa điểm bảo quản vật dụng cá nhân của thí sinh bảo đảm an toàn, cách phòng thi ít nhất 25 m.
Kỳ thi đã diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi trên cả nước. Việc tổ chức coi thi tại tất cả các điểm thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực và cơ bản đáp ứng đúng kế hoạch đề ra.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng cho biết, ban chỉ đạo thi các cấp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức coi thi tại các điểm thi, kịp thời phát hiện, nhắc nhở và hỗ trợ khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức coi thi để tăng cường kỳ cương trường thi, giữ nghiêm kỷ luật phòng thi.
Công tác đề thi được thực hiện nghiêm túc, an toàn, bảo mật từ Trung ương đến địa phương. Đề thi cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi các bài thi, môn thi nằm trong chương trình THPT, có sự phân hóa phù hợp bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Độ phân hóa của đề thi là bảo đảm công bằng
Trước câu hỏi của phóng viên về đề thi năm nay có tính phân hóa cao hơn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết, việc kiểm tra, đánh giá theo ma trận đề được các nhà trường áp dụng, triển khai theo văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT trong nhiều năm nay. Theo đó, đề có các mức độ câu hỏi, từ nhận biết, thông hiểu, đến vận dụng, vận dụng cao.
Ma trận này được thầy cô áp dụng trong các đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ trong quá trình dạy học. Đề thi được ra cũng cơ bản theo hướng dẫn này, nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 và không ra vào phần kiến thức đã được tinh giản.
Năm nay, việc tổ chức dạy học rất đa dạng trên toàn quốc trong bối cảnh dịch bệnh, nơi dạy trực tuyến trong thời gian dài, nơi có thời gian dạy học trực tiếp nhiều hơn. Vì vậy, độ phân hóa của đề thi là cần thiết để bảo đảm công bằng cho học sinh, tránh trường hợp có thể có rất nhiều học sinh trình độ khác nhau lại cùng đạt điểm tối đa.
Bên cạnh đó, với mức độ đề thi như vậy, kết quả thi cũng là một căn cứ để đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vừa qua.
Giám sát thực hiện tốt chấm thi
Trả lời câu hỏi về công tác chấm thi, ông Lê Mỹ Phong cho biết: Hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã hoàn thành xong các khâu quan trọng là công tác chuẩn bị, ra đề thi, coi thi và sắp tới là khâu chấm thi.
Việc chấm thi năm nay cơ bản được thực hiện như năm 2021, theo đúng quy chế thi.
Trong khâu làm phách với bài thi tự luận, địa phương được quyết định phương án làm 1 vòng hay 2 vòng, nhưng đều phải quán triệt thực hiện theo quy định. Nếu như năm trước, điện thoại cố định vòng ngoài chỉ cần có loa ngoài, thì năm nay yêu cầu phải có chức năng ghi âm và có loa ngoài do công an kiểm soát liên tục 24 giờ/ngày để liên lạc với hội đồng thi/ban chỉ đạo thi các cấp, mọi liên lạc qua điện thoại đều phải ghi âm, bật loa ngoài, ghi biên bản có chữ ký của các thành phần liên quan. Việc chấm bài thi của thí sinh F0 cũng được lưu ý.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nghiệp tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022.
Các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và 63 đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện kiểm tra công tác chấm thi ở 63 hội đồng thi trong suốt thời gian diễn ra công tác chấm thi để tăng cường tính nghiêm minh trong quá trình chấm thi.
Đối với thông tin phản ánh lộ đề thi môn Ngữ văn được đăng trên báo chí và mạng xã hội trước giờ thi, Bộ GD&ĐT khẳng định, đây chỉ là việc dự đoán tên tác phẩm, không phải lộ đề thi, đồng thời Bộ cũng đã chuyển đơn vị chức năng của Bộ Công an để xác minh, làm rõ. Đối với nghi vấn đề thi môn Toán được đăng trên mạng xã hội trong giờ thi: Ngay khi nhận được thông tin, Bộ GD&ĐT và Bộ Công an đã chủ động vào cuộc để xác minh thông tin… Các đơn vị chức năng của Bộ Công an đang tiếp tục làm rõ các thông tin liên quan để xử lý theo đúng quy định hiện hành. |