Quảng Hòa - nhiều học sinh không học tiếp bậc THPT
Giáo dục - Đào tạo - Ngày đăng : 08:38, 11/10/2022
Em muốn đi học tiếp
Tranh thủ trời nắng ráo, Thào Mý Dình ở thôn 8, xã Quảng Hòa (Đắk Glong) lại mang cuốc ra vườn cà phê để làm cỏ. 15 tuổi, sau khi tốt nghiệp THCS, thay vì học lên trung học phổ thông (THPT) hoặc đi học nghề, Dình lại chọn cách ở nhà làm rẫy cùng bố mẹ.
Chia sẻ về lựa chọn này, Dình cho biết, sau khi tốt nghiệp THCS nếu học tiếp THPT phải đến xã khác ở trọ bố mẹ phải mất một khoản tiền hàng tháng. Trong khi, Dình nhà nghèo, đông anh em nên việc tiếp tục đi học đối với em là điều không thể.
“Em muốn đi học tiếp, nhưng hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nên quyết định nghỉ học. Nếu sang năm kiếm được tiền, em có thể sẽ đi học nghề”, em Thào Mý Dình cho biết.
Như Dình, H’Mân, ở thôn 12, xã Quảng Hòa sau khi học hết THCS chọn ở nhà làm rẫy cùng với bố mẹ. Nhìn bạn bè cùng tuổi tiếp tục đến lớp, H'Mân từng suy nghĩ đến chuyện tiếp tục đi học, tuy nhiên, trường xa, điều kiện kinh tế của gia đình không cho phép, em đành gác lại ước mơ. Bà H’Tưng, mẹ của H’Mân cho hay: “H’Mân rất thích được đi học nhưng do kinh tế khó khăn, gia đình không có đủ tiền cho con học. Bây giờ nó đi học, ở trọ xa nhà rồi thì không ai đi làm nữa. Bố mẹ lớn tuổi, con phải ở nhà phụ giúp gia đình”.
Tốt nghiệp THCS, Thào Mý Dình ở thôn 8, xã Quảng Hòa chọn ở nhà để đi làm phụ giúp bố mẹ |
Ước mơ được đến trường dang dở, 14 tuổi, 15 tuổi, Dình, H’Mân và nhiều đứa trẻ cùng trang lứa khác ở xã Quảng Hòa đã trở thành những lao động chính trong gia đình. Thậm chí, có những em sau khi không còn đi học đã lập gia đình, bước vào nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền khi chưa đủ chín chắn, trưởng thành. Ông Vi Văn Thuộc, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa thông tin, địa phương có trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là dân di cư từ các tỉnh phía Bắc. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 61%. So với mặt bằng chung của tỉnh, đời sống kinh tế của người dân xã Quảng Hòa vẫn còn nhiều khó khăn.
Thống kê, hằng năm, toàn xã có hơn 30% học sinh tốt nghiệp THCS không tiếp tục học lên THPT hoặc đi học nghề, mà ở nhà làm nông. Nguyên nhân là do điểm trường THPT ở xa, nhà nghèo, đông con khiến cho việc học của nhiều em dang dở.
Mong có lớp THPT
Quãng đường từ xã Quảng Hòa đến trường THPT Lê Duẩn, ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) hoặc các cơ sở giáo dục khác tại trung tâm huyện Đắk Glong khá xa. Chính vì thế, để đi học, nhiều em phải xa nhà, ở trọ hoặc sang tỉnh lân cận như Đắk Lắk, Lâm Đồng để học nhờ. Đây cũng là lý do khiến cho nhiều gia đình không có điều kiện cho con em tiếp tục đi học.
Thầy giáo Lê Lương Nhiên, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Hòa thông tin: “Hằng năm, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS tại Quảng Hòa tiếp tục tăng. Trong bối cảnh đó, việc xem xét đầu tư phân hiệu trường THPT tại địa phương hoặc thực hiện mô hình Trường THCS kết hợp THPT cũng rất cần thiết. Đây là mong muốn nhiều năm nay của nhà trường, phụ huynh, từ đó giảm được tỷ lệ học sinh nghỉ học sau THCS”.
Cũng theo thầy Nhiên, để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học sau lớp 9, thời gian qua, Trường THCS Quảng Hòa luôn quan tâm công tác hướng nghiệp cho các em. Trong đó, nếu các em học sinh không có học lực tốt thì có thể xét tuyển vào Trường Cao đẳng Cộng đồng hoặc Trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật Phương Nam.
Thực tế cho thấy, thất học và đói nghèo là vòng luẩn quẩn tồn tại ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như Quảng Hòa. Để phá vỡ vòng luẩn quẩn này, việc đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình và nâng cao trình độ học vấn cho Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ là những giải pháp quan trọng. Cùng với đó, nếu Nhà nước đầu tư các lớp “nhô” THPT thì những thế hệ học sinh tại đây sẽ có cơ hội được học lên cao hơn.