Cô đỡ thôn bản – phát huy vai trò tại cộng đồng

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 10:06, 26/01/2011

Nhằm góp phần chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ sơ sinh, năm 2004, Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) và Công ty GlaxoSmithKine Việt Nam đã xây dựng và triển khai Đề án “Chương trình đào tạo 500 cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số” cho 20 tỉnh, thành phố thuộc các khu vực Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung...

Nhằm góp phần chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ sơ sinh, năm 2004, Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) và Công ty GlaxoSmithKine Việt Nam đã xây dựng và triển khai Đề án “Chương trình đào tạo 500 cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số” cho 20 tỉnh, thành phố thuộc các khu vực Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung. Bệnh viện Từ Dũ là đơn vị hướng dẫn và hỗ trợ cho các học viên những kỹ năng cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Sau khi hoàn tất khóa học, các cô đỡ quay về địa phương và dùng tiếng nói của dân tộc mình để tuyên truyền, hướng dẫn cho đồng bào dân tộc thiểu số hiểu biết hơn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, biết cách tự chăm sóc sức khỏe trong thời kì thai nghén, khi đẻ và sau đẻ.

Cô đỡ Thị Út ở bon Điêng Đu, xã Đắk Ngo (Tuy Đức) bắt đầu làm công tác y tế thôn bon từ năm 1998. Với lòng nhiệt tình, nỗ lực hết mình trong công tác, chị Thị Út đã giúp tỷ lệ quản lý thai nghén và tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ của bon Điêng Đu tăng hơn 75%; tỷ lệ mắc tai biến sản khoa, tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong sơ sinh đều giảm xuống mức thấp so với những năm trước. Không chỉ tham gia khám thai, ghi vào sổ theo dõi giúp phát hiện và chuyển tuyến kịp thời các trường hợp nguy cơ như sản giật, nhiễm khuẩn và các trường hợp đẻ khó..., cô đỡ Thị Út và 3 cô đỡ khác của xã Đắk Ngo còn thường xuyên tham gia tiêm chủng cho phụ nữ mang thai, đỡ đẻ tại nhà và nương rẫy cho các sản phụ; theo dõi tình hình sức khỏe bà mẹ sau khi sinh, hướng dẫn bà mẹ và gia đình cách chăm sóc mẹ và con đạt hiệu quả tốt nhất.

Theo bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh thì thời gian qua, Bệnh viện Từ Dũ đã đào tạo cho tỉnh ta 93 cô đỡ thôn bản, trong đó có 7 cô được đào tạo nâng cao. Không chỉ miễn phí hoàn toàn kinh phí đào tạo, hàng năm, Bệnh viện Từ Dũ còn trực tiếp hỗ trợ kinh phí đi lại để triệu tập các cô đỡ ôn lại những kiến thức chuyên môn. Bên cạnh đó,Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức những đợt giám sát và chỉ đạo tuyến, để hướng dẫn và chỉ ra ưu, khuyết điểm, nhắc nhở, động viên, khích lệ tinh thần để các cô đỡ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và hết lòng phục vụ bà con thôn bản. Hiện nay, 75 cô đỡ đang được phân bổ hoạt động tại địa phương đã giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản của tỉnh ta được triển khai rộng khắp, nâng cao cả về chất lượng và số lượng. Có thể nói, các cô đỡ thôn bản đã phát huy tốt vai trò của mình trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tại cộng đồng, giúp bà con nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe; góp phần đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày càng tiếp cận gần hơn với những người dân ở vùng sâu, vùng xa. Trong những năm tới, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh tiếp tục phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn mới, nhằm ôn lại những kiến thức cũ và cập nhật thêm nhiều kiến thức chuyên môn mới, giúp các cô đã nâng cao tay nghề trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân tại cộng đồng.

Trung tâm TT – GDSK