Chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 10:49, 25/10/2013

Suy thận xảy ra khi một phần hoặc toàn phần thận mất khả năng để thực hiện các chức năng bình thường. Khi bị suy thận, chạy thận nhân tạo là phương pháp điều trị duy nhất giúp bệnh nhân duy trì sự sống trừ khi được thay thận. Từ khi Bệnh viện Ða khoa tỉnh triển khai phương pháp chạy thận nhân tạo tại Khoa Hồi sức cấp cứu, rất nhiều bệnh nhân trên địa bàn đã có điều kiện thuận lợi hơn trong việc điều trị căn bệnh này.

Chạy thận nhân tạo là gì?

Chạy thận nhân tạo là tên gọi của một phương pháp dùng máy lọc chất thải, muối và chất lỏng từ máu khi thận không còn đủ sức khỏe để làm công việc này. Ðây là cách phổ biến nhất để điều trị suy thận vĩnh viễn tiên tiến nhằm giúp bệnh nhân có một cuộc sống bình thường mặc dù thận không còn đủ sức khỏe.

Cẩn thận theo dõi các chỉ số của bệnh nhân trong quá trình chạy thận (hình chụp tại Khoa Hồi sức cấp cứu – BVĐK tỉnh)

Chạy thận nhân tạo đòi hỏi bệnh nhân phải theo một lịch trình điều trị nghiêm ngặt, dùng thuốc đều đặn và thường xuyên thực hiện các thay đổi trong chế độ ăn uống. Bệnh nhân sẽ được chỉ định chạy thận nhân tạo khi chỉ còn 10 đến 15% của chức năng thận. Chạy thận nhân tạo có thể giúp công việc của thận bằng cách kiểm soát huyết áp và duy trì sự cân bằng thích hợp của chất lỏng và các hóa chất khác nhau - chẳng hạn như kali và natri trong cơ thể.

Nó cũng có thể giúp cơ thể duy trì sự cân bằng acid-base thích hợp. Khi bị những bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, viêm thận (viêm cầu thận), viêm mạch máu (viêm mạch), bệnh thận đa nang (u nang trong thận) rất dễ dẫn đến suy thận. Tuy nhiên, thận cũng có thể tắt đột ngột (suy thận cấp tính) sau khi một chấn thương nghiêm trọng, phẫu thuật phức tạp, đau tim hay các vấn đề nghiêm trọng khác.

Chạy thận ở Bệnh viện Ða khoa tỉnh

Bác sỹ Nguyễn Y Ðông, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Ða khoa tỉnh cho biết, phương pháp chạy thận nhân tạo bắt đầu được triển khai tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh từ tháng 9/2011. Từ khi triển khai đến nay, trung bình mỗi ngày đều có 6 lượt bệnh nhân chạy thận và chưa có sự cố nào xảy ra.

Ông Nguyễn Ngọc Luân, sinh năm 1960, ở thị trấn Ðắk Mil bị suy thận đã 4 năm nay. Trước đây, khi Bệnh viện Ða khoa tỉnh chưa triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo, ông Luân gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều trị cho căn bệnh của mình. Với lịch điều trị chạy thận 3 lần/1 tuần, ông phải xuống thành phố Hồ Chí Minh điều trị lâu dài, rất tốn kém tiền bạc và thời gian. Còn bây giờ, mỗi khi đến ngày hẹn điều trị, ông chỉ cần lên Bệnh viện tỉnh, sau khi chạy thận khoảng 4-5 tiếng là có thể đi về, giảm rất nhiều chi phí trong điều trị bệnh.

Còn anh Hoàng Văn Kỳ, sinh năm 1985 ở xã Ðắk Nia (Gia Nghĩa) chia sẻ: “Năm 17 tuổi tôi được chẩn đoán viêm cầu thận và đến năm 27 tuổi thì chuyển sang suy thận. Tôi đã chạy thận ở rất nhiều bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh, chi phí ăn ở, đi lại, điều trị rất tốn kém. Cũng vì căn bệnh này mà kinh tế gia đình tôi ngày càng sa sút. Rất may là từ khi Bệnh viện Ða khoa tỉnh triển khai kỹ thuật này ở địa phương đã giúp tôi có điều kiện thuận lợi hơn để đi cùng căn bệnh này đến hết đời”.

Lý Nguyễn