Nam giới cũng phải chú trọng việc chăm sóc sức khỏe sinh sản

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 09:25, 28/10/2013

iều 17 của Luật Bình đẳng giới quy định: “Nam, nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động giáo dục, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế. Nam, nữ bình đẳng trong lựa chọn, quyết định sử dụng biện pháp tránh thai, biện pháp an toàn tình dục, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục…”.

Thế nhưng, tình trạng bất bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn tồn tại với những mức độ khác nhau.

Mặc dù thường xuyên đến các cơ sở y tế để khám bệnh, nhưng nhiều nam giới vẫn chưa chú trọng đến vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản

Ðơn cử như trường hợp của ông Nguyễn Văn Hoàng ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa), mặc dù hàng năm vẫn thường xuyên đi thăm khám sức khỏe định kỳ, nhưng chưa một lần đi khám SKSS. Bởi theo ông Hoàng thì đau ở đâu khám ở đó, còn chuyện kế hoạch hóa gia đình cũng như những vấn đề liên quan đến SKSS thì phụ nữ sinh đẻ bị nhiều chứ đàn ông mấy. Thậm chí, ngay cả vấn đề vợ sử dụng biện pháp tránh thai nào, ông cũng không quan tâm.

Hay như ông Trần Văn Mạnh ở phường Nghĩa Ðức (Gia Nghĩa) hễ khi vợ nói đến chuyện đi khám phụ khoa, ông lại “giãy nảy” lên, cho rằng không cần thiết, chuyện nhỏ quan tâm làm gì. Nhiều lúc phường tổ chức chiến dịch CSSKSS, ông cũng không tham gia.

Chính những quan niệm này là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nhiều khó khăn trong công tác CSSKSS. Hiện nay, hầu hết trong các chiến dịch CSSKSS, phụ nữ là đối tượng chủ yếu tham gia, còn nam giới hầu như không có. Ðiều này làm cho các biện pháp tránh thai dành cho nam giới cũng chưa phát huy được tác dụng.

Tỷ lệ nam giới sử dụng bao cao su để phòng tránh thai và một số bệnh lây truyền qua đường tình dục còn nhiều hạn chế. Thậm chí, ở một số nơi như vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số…, nhiều người còn chưa biết sử dụng đúng cách.

Theo ông Hoàng Văn Sử, Trưởng thôn 5, xã Ðắk R’măng (Ðắk Glong) thì nhiều đàn ông người Mông trong thôn còn chưa biết hình dạng bao cao su thế nào. Còn phụ nữ thì mặc dù được tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các biện pháp tránh thai, nhưng khi nhớ thì dùng không thì thôi, nên tình trạng sinh đẻ “vỡ kế hoạch” vẫn còn khá nhiều.

Cũng có những trường hợp, nam giới gặp các vấn đề liên quan đến SKSS, nhưng do mặc cảm, tâm lý e ngại, sợ mang tiếng là bản thân có “vấn đề”…nên ít đi khám. Không những vậy, việc kiểm tra SKSS trước khi kết hôn vẫn chưa được các cặp vợ chồng chú trọng. Do đó, sau khi cưới, nếu xảy ra vấn đề gì liên quan đến SKSS hay việc hiếm muộn con cái thì các cặp vợ chồng mới cùng đi khám.

Mặc dù thời gian qua, tỉnh đã triển khai mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân tại 20 xã của tỉnh, song số lượng các cặp vợ chồng trước khi kết hôn tham gia khám SKSS còn rất ít.

Bên cạnh đó, tư tưởng trọng nam khinh nữ chưa được xóa bỏ, thiếu hiểu biết về vai trò, lợi ích của bình đẳng giới đối với gia đình và xã hội cũng như chưa quan tâm, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm bình đẳng giới… cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới trong việc CSSKSS.

Hơn nữa, hiện nay trên địa bàn tỉnh, dịch vụ CSSKSS dành cho nam giới còn chưa phát triển, chưa có những chương trình riêng về CSSKSS dành cho nam giới, nên nam giới chưa nhận được sự tư vấn tốt về các vấn đề này.

Có thể nói, nam giới cũng có rất nhiều vấn đề liên quan đến SKSS như bệnh lây truyền qua đường tình dục, thiểu năng sinh dục, kế hoạch hóa gia đình…nên cũng rất cần được tư vấn, hỗ trợ trong CSSKSS. Do đó, để những hoạt động CSSKSS dành cho nam giới phát huy hiệu quả, trước hết chính bản thân cánh đàn ông cũng phải quan niệm đúng đắn hơn về vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của mình trong vấn đề SKSS.

Ðồng thời, việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các kiến thức về CSSKSS dành cho nam giới, nhằm làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi về SKSS, sức khỏe tình dục, kế hoạch hóa gia đình cũng cần được chú trọng.

Thông qua hệ thống tuyên truyền viên cơ sở cũng như xây dựng các mô hình, câu lạc bộ CSSKSS, bình đẳng giới nhằm khuyến khích nam giới cùng tham gia thảo luận, chia sẻ những khó khăn trong việc chăm sóc SKSS, kế hoạch hóa gia đình.

Hoàng Bảo