Cần phân biệt đúng giữa bệnh sốt rét và sốt xuất huyết
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 10:23, 02/12/2013
Về dịch tễ, người thăm khám cần hỏi kỹ người bệnh có đang sống ở vùng SR hoặc vừa từ vùng SR trở về hay không. Bên cạnh đó, bệnh nhân nếu có triệu chứng sốt cao khi sống trong vùng có dịch SR hoặc từ vùng SR trở về thì cần nhanh chóng nhập viện thăm khám, đồng thời nói rõ với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Việc chẩn đoán bệnh SR chủ yếu dựa trên xét nghiệm phát hiện ký sinh trùng SR trong máu và được thực hiện khá đơn giản. Vấn đề quan trọng là người khám bệnh có cảnh giác, có nghĩ đến nó hay không để thực hiện sớm ngay từ đầu. Trên thực tế, bệnh SR trước đây khá nhiều nên bác sĩ rất cảnh giác với căn bệnh này.
Hiện nay bệnh SR ít dần, trong khi đó SXH lại bùng phát mạnh nên khi bệnh nhân đến khám mà chỉ có biểu hiện sốt, người ta thường nghĩ đến SXH mà “quên đi" SR. Bên cạnh đó, hiện nay xét nghiệm cơ bản hay làm cho người bệnh là công thức máu mà kết quả thường là không có sự khác biệt giữa SXH và SR. Vì vậy, các bác sĩ khi thăm khám bệnh nhân có sốt nên lưu ý đến 2 bệnh trên và sớm cho làm xét nghiệm để xác định chẩn đoán hoặc loại trừ.
Có trường hợp bệnh nhân SXH, SR khi nhập viện không có biểu hiện sốt do ngoài cơn sốt hoặc đã uống thuốc hạ sốt trước đó hoặc do bệnh đã diễn tiến nặng, có biểu hiện sốc.
Bệnh SR nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời bằng thuốc đặc trị sẽ khỏi bệnh, nếu để chậm trễ bệnh có thể chuyển nặng, ác tính gây biến chứng não, gan, suy thận và xuất huyết..., dễ dẫn đến tử vong.
Trong khi đó, SXH hiện nay chưa có thuốc đặc trị, việc chữa trị chủ yếu là hỗ trợ, giảm nhẹ các triệu chứng và hồi sức cấp cứu khi bệnh diễn tiến nặng. Như vậy nếu chẩn đoán nhầm SR là SXH sẽ dẫn đến trường hợp không điều trị đúng bằng thuốc đặc trị, dẫn đến hậu quả xấu.
Trong điều trị bệnh SXH, do chưa có thuốc đặc trị nên khó có thể lường trước diễn biến bệnh, không thể tránh khỏi trường hợp bệnh nhân được nhập viện sớm nhưng bệnh vẫn diễn tiến nặng, dẫn đến tử vong.
Trên thực tế, việc nhập viện sớm không giúp cho bệnh SXH không bị trở nặng (sốc, xuất huyết, suy gan, suy thận...) mà giúp cho bệnh nhân nhận được sự hỗ trợ đúng, kịp thời, không chậm trễ khi diễn tiến bệnh bất thường, đột ngột, do đó giảm thiểu nguy cơ tử vong cho người bệnh.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều người vẫn hay mắc sai lầm phổ biến là khi sốt thường tự ý cho dùng thuốc hạ sốt hơn 4-5 lần mỗi ngày, dẫn đến lạm dụng thuốc. Việc sử dụng thuốc hạ sốt liên tục có thể làm tổn thương gan nặng nề, che giấu triệu chứng bệnh.
Bên cạnh đó, nhiều người khi hết sốt thì chủ quan, không tiếp tục theo dõi. Bệnh nhân SXH khi chuyển nặng, bị sốc sẽ không tốt. Nếu người bệnh đột ngột hết sốt từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 của bệnh nhưng có những biểu hiện bất thường: tay chân lạnh, đau bụng, nôn ói, đờ đẫn thì cần được nhập viện ngay.
Hiện chưa có văcxin phòng ngừa SXH. Để phòng bệnh cần tích cực chủ động diệt muỗi, lăng quăng. Không để các vật dụng chứa nước có thể sinh muỗi trong nhà. Cần dọn dẹp nhà cửa thoáng đãng, không ẩm thấp, phát quang bụi rậm, không để nước tù đọng quanh nhà. Các chum vại chứa nước cần được cọ rửa, vệ sinh kỹ, đậy kín nắp. Chú ý treo mùng khi ngủ, kể cả ngủ vào ban ngày.