Phòng, chống bệnh sởi: Tăng cường tuyên truyền, giám sát tại cộng đồng

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 09:53, 13/05/2014

Theo thống kê của Sở Y tế, tính đến hết tháng 4, toàn tỉnh ghi nhận có 92 trường hợp mắc bệnh sởi, tập trung chủ yếu ở hai huyện Đắk Glong và Tuy Đức.

Mặc dù các trường hợp mắc sởi đang có xu hướng giảm so với những tháng đầu năm, nhưng công tác tuyên truyền, giám sát bệnh tại cộng đồng vẫn đang được hết sức chú trọng.

Đoàn viên, thanh niên ngành Y tế tích cực tuyên truyền người dân về tiêm vắc xin phòng bệnh sởi

Thực hiện chiến dịch tiêm vét vắc xin sởi do Bộ Y tế phát động, ngay từ tháng 2, ngành y tế các địa phương đã tiến hành rà soát, vận động trẻ từ 9 tháng đến 5 tuổi đến cơ sở y tế để tiêm phòng.

Theo đó, với hơn 61.000 trẻ trong diện tiêm, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có gần 92% trẻ được tiêm; trong đó, trẻ từ 9 -24 tháng được tiêm đạt 96%, trẻ từ trên 24 tháng - 5 tuổi đạt 87,3%.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về các biện pháp phòng, chống bệnh cũng như các dấu hiệu nhận biết về bệnh sởi cũng được các địa phương hết sức chú trọng, nhất là các địa bàn có tỷ lệ trẻ mắc bệnh cao.

Tại các địa bàn dân cư, đội ngũ cán bộ y tế thường xuyên giám sát nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để kịp thời điều trị, tránh những biến chứng nguy hiểm và lây lan trong cộng đồng. Với việc triển khai kịp thời, tích cực các biện pháp phòng, chống bệnh nên trong 3 tuần gần đây, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận thêm trường hợp nào mắc bệnh sởi.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Y tế, do điều kiện thời tiết nóng ẩm, cộng với số ca mắc sởi đều tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế còn hạn chế, nên tình hình bệnh sởi vẫn có thể diễn biến phức tạp trở lại. Vì vậy, công tác phòng, chống căn bệnh này vẫn phải được chú trọng.

Theo đó, ngành đã chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh tăng cường công tác giám sát bệnh tại cộng đồng. Về phía các cơ sở điều trị, cùng với công tác chuyên môn, việc phòng, chống bệnh sởi vẫn được ưu tiên, nhất là đối với khoa khám và khoa nhi.

Ngoài việc bố trí đội ngũ y, bác sĩ tại các khoa, các bệnh viện còn bố trí các kíp trực để tiếp nhận, phân loại bệnh nhân. Đối với các bệnh nhân có dấu hiệu phát ban dạng sởi hoặc nghi ngờ mắc bệnh sởi, bệnh viện sẽ chuyển đến các phòng bệnh dành riêng để đảm bảo không lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân.

Cũng  theo ngành Y tế, để công tác phòng, chống bệnh sởi đạt hiệu quả cao và lâu dài, điều quan trọng nhất là phải nâng cao ý thức tự phòng bệnh của người dân. Để làm được điều đó, công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng phải được tăng cường hơn nữa, trong đó, chú trọng việc đổi mới và đa dạng hóa cả về nội dung lẫn hình thức.

Ngoài việc tuyên truyền trực tiếp tại các địa bàn dân cư, hộ gia đình, ngành Y tế đang tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh ở các trường học, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, các biện pháp phòng, chống bệnh sởi. Đây là một trong những nơi có nguy cơ mắc bệnh và chùm bệnh cao.

Việc tuyên truyền, giáo dục cũng sẽ được triển khai sâu rộng hơn nữa trên các phương tiện thông tin đại chúng, tập trung vào việc nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của tiêm phòng vắcxin sởi để tự giác đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng, mỗi người dân cũng phải tự tìm hiểu và nâng cao hiểu biết về bệnh, đồng thời, trở thành tuyên truyền viên tích cực, góp phần phòng, chống bệnh hiệu quả.

Vũ Trang