Quản lý hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng: Còn nhiều bất cập

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 10:07, 22/05/2014

Thời gian gần đây, do nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) của người dân ngày càng tăng, nên thị trường TPCN cũng trở nên phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng các loại sản phẩm, cộng với việc chồng chéo trong phân cấp quản lý nên việc quản lý hoạt động kinh doanh TPCN của các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập.

Sử dụng thực phẩm chức năng theo... cảm tính

Là kế toán ở một doanh nghiệp ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa), chị Nguyễn Thị Thu Tâm thường xuyên sử dụng TPCN mỗi khi căng thẳng, mệt mỏi.

Theo chị Tâm cho biết thì chị mua và sử dụng TPCN qua lời giới thiệu của bạn bè, hiện cũng không nhớ chính xác đã dùng bao nhiêu, thời gian sử dụng như thế nào và liều lượng ra sao. Bởi việc sử dụng TPCN của chị chỉ theo cảm tính, khi nào thấy mệt mỏi, căng thẳng thì dùng.

Không riêng chị Tâm, việc sử dụng TPCN hiện nay cũng trở nên khá phổ biến ở nhiều gia đình. Đơn cử như chị Hà Thị Nguyệt ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa), ngoài việc sử dụng TPCN để cải thiện tình trạng sức khỏe cho bản thân, mỗi khi có người giới thiệu các loại TPCN giúp trẻ ăn nhiều, cao lớn…chị cũng đều mua về cho con cái trong nhà.

Chị Nguyệt chia sẻ: “Gia đình tôi thường xuyên dùng TPCN. Trước đây, nhiều loại TPCN chỉ có bán trong quầy thuốc tây, nhưng hiện nay, việc bày bán TPCN khá phổ biến, tôi có thể mua ngay tại các cửa hàng tạp hóa”.

Điều đáng nói, việc kinh doanh TPCN còn phát triển khá rộng rãi trên các trang mạng xã hội với nhiều hình thức quảng cáo khác nhau. Qua đó, nhiều chị em có nhu cầu làm đẹp cũng tìm đến TPCN như một loại “thần dược” mà không hề quan tâm đến vấn đề chất lượng sản phẩm...

Thực phẩm chức năng. Ảnh tư liệu

Nhiều vi phạm trong kinh doanh

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh thì hiện nay, việc rà soát, thống kê số lượng cơ sở kinh doanh TPCN cũng như chủng loại TPCN trên địa bàn tỉnh rất khó, gần như không thực hiện được. Hiện, ngành chỉ quản lý 411 cơ sở kinh doanh TPCN, nhưng đều là các quầy thuốc, nhà thuốc.

Đối với việc kinh doanh nhỏ lẻ tại các cửa hàng tạp hóa, mỹ phẩm, nhất là trên các trang mạng xã hội…thì đều không thể quản lý được. Bên cạnh đó, công tác thanh, kiểm tra cũng không được thực hiện thường xuyên do thiếu nguồn nhân lực, kinh phí. Mỗi năm, việc thanh, kiểm tra vấn đề thực hiện các quy định về kinh doanh TPCN chỉ được thực hiện lồng ghép nên số lượng cơ sở được kiểm tra rất ít.

Điều đáng nói là hầu hết các cơ sở được kiểm tra đều vi phạm các quy định về kinh doanh TPCN, nhưng công tác hậu kiểm, giám sát việc khắc phục các vi phạm còn rất hạn chế. Đơn cử như trong đợt thanh, kiểm tra việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh mới đây, qua kiểm tra 14 cơ sở kinh doanh TPCN thì tất cả đều vi phạm quy định về kinh doanh TPCN.

Việc chồng chéo trong phân cấp quản lý giữa các ngành y tế, công thương, nông nghiệp cũng gây không ít khó khăn trong công tác quản lý cũng như thanh, kiểm tra vấn đề chấp hành các quy định về kinh doanh TPCN. Ngoài ra, việc quản lý TPCN hiện nay gặp nhiều khó khăn còn do vấn đề chứng nhận công bố TPCN của nhà sản xuất, vấn đề nhãn mác sản phẩm, thông tin quảng cáo TPCN.

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, nhiều nhà sản xuất có xu hướng cường điệu hóa tác dụng của sản phẩm trong khi các cơ quan quản lý lại thiếu cơ sở khoa học để xác định vấn đề quản lý.

Nghiên cứu, tìm giải pháp quản lý hiệu quả

Theo ông Nguyễn Tấn Thành, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh thì TPCN đang dần trở thành xu thế phổ biến đi vào đời sống hằng ngày. Vì vậy, việc quản lý TPCN phải được thực hiện một cách chặt chẽ, thường xuyên để góp phần bảo vệ tốt sức khỏe người dân.

Để làm được điều này, ngoài việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra, ngành đang tích cực nghiên cứu, tìm giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh TPCN được hiệu quả hơn. Theo đó, việc thống nhất trong phân cấp quản lý giữa các ngành cần phải được ưu tiên chú trọng.

Bằng nhiều hình thức khác nhau, việc tăng cường năng lực kiểm nghiệm để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm tra, giám sát cũng phải được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giáo dục cần được đẩy mạnh để người lãnh đạo, quản lý, người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng hiểu biết đầy đủ, chính xác về TPCN.

Một điều cần phải nói rằng, TPCN chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, phòng ngừa bệnh tật chứ không thay thế thuốc chữa bệnh cũng như các thực phẩm dinh dưỡng hàng ngày. Vì vậy, người dân cần nâng cao nhận thức, hiểu đúng để sử dụng đúng, qua đó bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình.

Vũ Trang