Thực hiện Đề án 1816: “Nâng tầm” cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 10:27, 24/05/2016
Làm chủ nhiều kỹ thuật mới
Theo bác sĩ Trần Văn Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì từ năm 2011 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hàng trăm lượt cán bộ, y, bác sĩ của các bệnh viện tuyến trên đến từ TP. Hồ Chí Minh như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Bệnh viện Nhi đồng II... đến hỗ trợ chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật.
Các lĩnh vực được chuyển giao gồm: Ngoại khoa, sản khoa, gây mê hồi sức, chống nhiễm nhuẫn, chẩn đoán hình ảnh, phục hồi chức năng... Với sự hướng dẫn tận tình của các cán bộ y tế tuyến trên, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ của bệnh viện đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm để có thể tự thực hiện các kỹ thuật khó. Ðây là một trong những giải pháp quan trọng để bệnh viện từng bước tiếp cận được với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện phẫu thuật dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ tuyến trên |
Cũng theo bác sĩ Hùng thì hiện nay, chuyên khoa Ngoại là một trong những điển hình về áp dụng các kỹ thuật mới được chuyển giao từ bệnh viện tuyến trên. Nhiều kỹ thuật khó trước đây không thể thực hiện độc lập tại bệnh viện thì nay các bác sĩ đã vững vàng, tự chủ thực hiện, cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo như phẫu thuật nội soi ổ bụng, chấn thương sọ não, phẫu thuật thần kinh...
Đơn cử như phẫu thuật chấn thương sọ não, bắt đầu triển khai từ tháng 10/2014, đến nay, các bác sĩ của bệnh viện đã phẫu thuật thành công cho 125 trường hợp.
Bác sĩ chuyên khoa I Lê Chí Quốc Bảo, người đầu tiên được cử đi đào tạo theo Đề án 1816 chia sẻ: “Sau hơn 3 năm được đào tạo kết hợp với thực hành tại các bệnh viện tuyến trên, tôi đã tích lũy được khá nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Khi áp dụng vào thực tiễn tại địa phương, mặc dù áp lực rất nhiều, nhưng tôi cũng như đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện luôn cố gắng vượt qua. Đến nay, rất nhiều ca bệnh chấn thương sọ não đã được phẫu thuật thành công, đem lại niềm vui cho người bệnh. Đây cũng là tiền đề quan trọng để bệnh viện củng cố niềm tin, uy tín”.
Tương tự, khoa Sản cũng là một trong những lĩnh vực được tiếp nhận nhiều chuyển giao từ các bệnh viện tuyến trên, nhất là Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ. Hiện tại, khoa đã áp dụng thành công một số kỹ thuật về hồi sức sơ sinh; xử lý một số tình huống có thể trở nặng sau sinh như vàng da, sặc sữa; theo dõi thai kỳ, chăm sóc tiền sản, thủ thuật và phẫu thuật sản khoa; chẩn đoán sớm thai ngoài tử cung...
Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ cho biết: “Thực hiện Đề án 1816, đơn vị đã cử rất nhiều lượt y, bác sĩ luân phiên nhau lên “nằm vùng” tại khoa Sản của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông để “cầm tay chỉ việc”, chia sẻ kinh nghiệm, hội chẩn những trường hợp khó... Thông qua quá trình chuyển giao, hiện nay, trình độ, năng lực của đội ngũ y, bác sĩ của khoa đã được nâng lên, có thể làm chủ được nhiều kỹ thuật khó”.
Góp phần thực hiện thành công Đề án “Bệnh viện vệ tinh”
Cũng theo Ban lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì trong quá trình triển khai Đề án, thực tế bệnh viện cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, nguồn nhân lực thiếu và không ổn định, nhất là việc thiếu hụt cán bộ y tế có trình độ cao, chuyên khoa sâu. Một số cơ sở hạ tầng xuống cấp, trang thiết bị y tế còn thiếu và lạc hậu, ảnh hưởng nhiều đến việc chuyển giao cũng như phát triển các kỹ thuật.
Tuy nhiên, xác định việc triển khai Đề án chính là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết bài toán về chất lượng, bệnh viện đã và đang tranh thủ mọi nguồn lực để từng bước khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án.
Hiện tại, bệnh viện đang được bố trí nguồn vốn trung hạn đầu tư giai đoạn II với quy mô 500 giường bệnh, tăng 200 giường. Song song đó, bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau, bệnh viện sẽ tập trung đầu tư mua sắm trang thiết bị, nhất là một số trang thiết bị phục vụ phát triển các kỹ thuật cao.
Đánh giá về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sở Y tế cũng cho biết: Thực tế, việc chuyển giao kỹ thuật từ Đề án 1816 đã nâng tầm năng lực cho tuyến dưới rất nhiều, nhất là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, góp phần lấp dần khoảng cách việc ứng dụng kỹ thuật mới trong điều trị và chăm sóc sức khỏe người dân.
Không chỉ thế, thông qua Đề án, hàng chục ngàn người dân trong tỉnh được hưởng lợi từ việc triển khai thành công các dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Đề án cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc giúp ngành xây dựng thành công Đề án “Bệnh viện vệ tinh”. Theo đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ trở thành “bệnh viện vệ tinh” của một trong các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020, với việc ưu tiên phát triển các chuyên khoa như ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, giải phẫu bệnh...