Thầm lặng nhân viên tiếp cận cộng đồng
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 14:24, 04/12/2017
Đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng là những đồng đẳng viên hoặc nhân viên y tế tại các thôn, bon, tổ dân phố làm công tác truyền thông thay đổi hành vi về phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng, cũng như cấp phát bao cao su, bơm kim tiêm sạch miễn phí cho những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao...
Thấy vui khi lo “chuyện bao đồng”
Tham gia công tác tiếp cận cộng đồng từ nhiều năm nay, hàng ngày, ông Trương Đình Phúc, 68 tuổi, nhân viên tiếp cận cộng đồng ở thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) vẫn tìm tòi, nghiên cứu các tài liệu về phòng, chống HIV/AIDS để tuyên truyền cho người dân địa phương.
Ông Trương Đình Phúc, nhân viên tiếp cận cộng đồng ở thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) (bên phải) trao đổi thông tin phòng, chống HIV/AIDS với cán bộ tổ dân phố |
Theo ông Phúc, trong hầu hết các buổi họp tổ dân phố, ông đều xin một ít thời gian để tuyên truyền về kiến thức phòng, chống HIV/AIDS. Lúc đầu, không ít người cười vì cho rằng ông lo “chuyện bao đồng”. Thế nhưng, với sự kiên trì vận động, giải thích, nhiều gia đình đã bắt đầu quan tâm, tìm hiểu về những kiến thức phòng, chống HIV/AIDS mà ông truyền đạt.
Ông Phúc còn tìm nhiều cách khác nhau để gặp gỡ những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao trên địa bàn để tuyên truyền, vận động. Mỗi khi có thời gian, ông thường đi đến các quán cà phê hay những nơi mà các đối tượng tiêm chích ma túy thường lui tới để tiếp cận, tìm hiểu hoàn cảnh, nguy cơ và nói cho họ biết cách để có thể tự phòng tránh lây nhiễm HIV cho bản thân. Ngoài ra, ông còn phát bơm kim tiêm sạch và bao cao su cho các đối tượng, đồng thời kiêm luôn việc... nhặt bơm kim tiêm bẩn của các đối tượng vứt bừa bãi.
Ông Phúc cho biết: “Công việc tiếp cận cộng đồng không dễ dàng chút nào. Ban đầu, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn vì hầu hết các chủ nhà hàng, khách sạn... đều từ chối tiếp cận, nhất là những đối tượng đích, họ luôn muốn giấu thân phận của mình. Tuy nhiên, làm nhiều rồi cũng quen, không tiếp cận được bằng cách này, tôi lại thử nhiều cách khác. Có thời điểm, tôi cùng cán bộ y tế địa phương đã tiếp cận, vận động được gần 20 trường hợp nghiện ma túy đi xét nghiệm HIV tự nguyện. Đến nay, nhiều đối tượng nghiện chích ma túy trên địa bàn đã quen luôn mặt tôi”.
Cũng theo ông Phúc, ông còn vận động nhiều trường hợp điều trị cai nghiện bằng thuốc Methadone. Mỗi lần có dịp đi tập huấn tại trung tâm y tế huyện, gặp các đối tượng đến uống thuốc, ông vẫn thăm hỏi, động viên họ tiếp tục quyết tâm để cai nghiện thành công.
Ông Phúc chia sẻ: “Thực tế, công việc này đòi hỏi nhiều thời gian, nhưng phụ cấp không bao nhiêu, đến nay cũng không còn phụ cấp nữa, nhưng vì trách nhiệm với cộng đồng tôi vẫn đảm nhận. Mỗi lần vận động được một người có nguy cơ cao đi xét nghiệm HIV hoặc vận động được người nghiện đi cai nghiện, tôi cảm thấy rất vui”.
Phải kiên trì, nhẫn nại
Tương tự, ông Vương Văn Sáng, nhân viên y tế-dân số của xã Nam Đà (Krông Nô) cũng được giới thiệu làm nhân viên tiếp cận cộng đồng của huyện. Công việc của ông là tìm đến các tụ điểm “nhạy cảm” để tiếp cận với những nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, tư vấn cho họ cách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và cấp phát bao cao su, bơm kim tiêm miễn phí.
Cũng như những nhân viên tiếp cận cộng đồng khác, không ít lần ông bị xua đuổi, từ chối tiếp cận, nhất là những người trong nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao. Nhưng dần dần, bằng kinh nghiệm và kiến thức được trang bị, ông vẫn nỗ lực hoàn thành tốt công việc được giao.
Ông Sáng cho biết: “Đối với công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS thì không thể một sớm một chiều mà thực hiện xong được. Nhiều lúc, muốn tiếp cận một đối tượng có nguy cơ cao cũng mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, điều cần nhất ở một người làm công tác tiếp cận cộng đồng là tính kiên trì, nhẫn nại”.
Bên cạnh đó, ông cũng thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các đoàn thể, công an xã... để nắm bắt tình hình cụ thể của địa phương, tìm cách tiếp cận đối tượng để có biện pháp tuyên truyền hợp lý nhất.
Truyền tải thông điệp từ câu chuyện của bản thân
Hơn 10 năm trước, chị B.T.Đ ở xã Nam Dong (Chư Jút) bị lây nhiễm HIV từ chồng. Sợ bị mọi người biết và xa lánh, kỳ thị, vợ chồng chị Đ. không dám đến các cơ sở y tế trên địa bàn mà phải lén lút đi điều trị tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Trong khoảng thời gian này, chị Đ biết đến nhóm đồng đẳng viên của tỉnh Đắk Lắk và nhận được sự chia sẻ từ những người cùng cảnh ngộ, nhất là tiếp cận với những thông tin, kiến thức và các dịch vụ trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Dần dần, chị Đ có cái nhìn tích cực hơn về bệnh của mình và quyết định tham gia nhóm đồng đẳng viên.
Trở về địa phương, chị Đ không ngại công khai tình trạng bệnh của mình, tích cực tham gia điều trị và trở thành đồng đẳng viên tuyên truyền kiến thức về HIV/AIDS cho ngành y tế. Hiện nay, chị Đ là đồng đẳng viên duy nhất trên địa bàn tỉnh. Với vai trò là đồng đẳng viên, chị Đ tích cực tìm hiểu các thông tin về phòng, chống HIV/AIDS qua sách, báo, tài liệu, tham gia các lớp tập huấn, hội thảo do ngành Y tế tổ chức để nâng cao kiến thức và kỹ năng tuyên truyền. Chị Đ chia sẻ: “Tôi muốn đem câu chuyện của bản thân mình để chuyển tải một thông điệp đến những người cùng cảnh ngộ để họ tự tin, quyết tâm điều trị và sống hòa nhập cộng đồng”.
Hiện nay, đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng trên địa bàn tỉnh có khoảng 40 người, rải rác ở các khu dân cư. Trong những nỗ lực chung của toàn xã hội nhằm phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, công việc thầm lặng của những nhân viên tiếp cận cộng đồng đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Dù hoàn cảnh nào, ở đâu, họ vẫn luôn cố gắng tìm mọi biện pháp để hoàn thành công việc vì trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.