Triển khai nhiều biện pháp, ngăn chặn bệnh tay chân miệng lây lan ra diện rộng
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 09:06, 28/10/2020
Trước tình hình bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng và có dấu hiệu phức tạp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thành phố, các đơn vị y tế trực thuộc tăng cường công tác phòng, chống.
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để phòng bệnh tay chân miệng |
Bác sĩ Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, không để bùng phát, lan rộng và kéo dài, các đơn vị y tế trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống; trong đó, tập trung vào các địa phương có số ca mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch bệnh".
Theo bác sĩ Nguyễn Ly Sắc, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), các trường hợp mắc tay chân miệng năm nay xuất hiện muộn hơn thời điểm các năm trước là thường vào tháng 3 đến tháng 5. Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trẻ em nghỉ học từ đầu năm tránh dịch, nên thời điểm bệnh xuất hiện cũng có sự thay đổi. Một phần nữa có thể do thời tiết có những diễn biến phức tạp, dễ xuất hiện và lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Điều đáng mừng, tất cả các trường hợp mắc tay chân miệng được ghi nhận đều có biểu hiện lâm sàng ở mức độ nhẹ, với các biểu hiện sốt, phát ban dạng phỏng nước ở bàn tay, bàn chân, xung quanh miệng, đầu gối, loét miệng, trẻ quấy khóc, chán ăn... chỉ cần điều trị tích cực trong thời gian 7 - 10 ngày là có thể khỏi bệnh.
Bệnh tay chân miệng tuy diễn biến nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm, nhưng các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể nhận biết trẻ mắc bệnh qua các dấu hiệu như sốt nhẹ hoặc sốt cao. Khi sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng. Các tổn thương ở da dễ nhận biết là rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…
Học sinh cần vệ sinh chân tay thường xuyên sau mỗi giờ ra chơi |
Một điều nữa, hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng nên việc phòng bệnh cần được quan tâm, chú trọng. Các bác sĩ khuyến cáo cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày đối với cả người lớn và trẻ em, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hay cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Các gia đình cần ăn chín, uống sôi, vệ sinh vật dụng ăn uống sạch sẽ trước khi sử dụng, thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn, ghế, sàn nhà... bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Người bệnh cần được cách ly tại nhà cho đến khi khỏi bệnh, ít nhất 7-10 ngày. Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa truyền nhiễm, để được hướng dẫn cách chăm sóc và điều trị kịp thời.