Bệnh phong hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 15:10, 09/12/2020
Anh Lý A S (SN 1986), trú tại thôn 5, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong phát hiện mắc bệnh phong vào tháng 3/2020. Trước đó, vào khoảng tháng 7/2015, buổi chiều bệnh nhân có cảm giác tê bì ngón út tay phải, da khô. Tháng 1/2020, bệnh nhân thấy xuất hiện nhiều mảng hồng ban sắc tố nổi gồ trên mặt da vùng lưng, ngực và bụng; rụng lông mày. Bệnh nhân không đi khám mà tự mua thuốc về bôi, uống (không rõ thuốc gì). Sau một thời gian không thấy bệnh thuyên giảm, bệnh nhân đến Khoa Da liễu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khám, xét nghiệm và được chẩn đoán mắc phong. Được biết, tiền sử gia đình bệnh nhân có chị gái ruột, sống cạnh nhà mắc bệnh phong vào năm 2015.
Sau khi chẩn đoán anh Lý A S mắc bệnh phong nhóm MB, thể BB/BL, tàn tật độ II, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tiến hành điều tra, khám tiếp xúc tại cộng đồng khu vực bệnh nhân sinh sống. Qua điều tra tại cộng đồng thôn 5, xã Đắk Ha, chưa ghi nhận thêm trường hợp bệnh mới nào ngoài 3 trường hợp bệnh đang được quản lý. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng tiến hành thăm khám những người tiếp xúc gần với bệnh nhân và chưa phát hiện trường hợp nào có biểu hiện lâm sàng. Thông qua việc thăm khám, cán bộ y tế đã cung cấp kiến thức về phòng, chống bệnh phong; tư vấn, hướng dẫn những người tiếp xúc gần bệnh nhân S về các dấu hiệu nhận biết khi mắc bệnh và đề nghị kịp thời thông báo cho cơ sở y tế khi có các biểu hiệu nghi ngờ.
Các y bác sỹ thăm khám bệnh nhân mắc bệnh phong |
Bệnh phong hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Trường hợp chị Ngô Thị Hồng H (SN 1974), trú tại thôn Thanh Lẫm, xã Đức Minh, huyện Đắk Mil phát hiện mắc phong vào năm 1995. Đến năm 1997, sau khi tuân thủ điều trị đúng phác đồ, chị H đã khỏi bệnh hoàn toàn và hiện chị đang được quản lý chăm sóc tàn tật. Trường hợp anh Huỳnh Văn H (SN 1992), trú tại thôn 1 xã Nâm N’jang, huyện Đắk Song, phát hiện mắc bệnh phong vào năm 2014. Đến năm 2015, sau 1 năm điều trị, anh H khỏi bệnh hoàn toàn mà không có di chứng gì, hiện vẫn đang được giám sát.
Đối với trường hợp bệnh nhân phong mới phát hiện, Trung tâm đã cấp thuốc đa hóa trị liệu, tư vấn điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Ngoài ra, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện, trạm Y tế xã, Trung tâm cũng tiến hành điều tra, giám sát, xác minh ca bệnh và các yếu tố dịch tễ liên quan tại địa bàn; giám sát chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc và nghi ngờ mắc bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc mới để khoanh vùng và xử lý kịp thời theo đúng quy định.
Bác sỹ Nguyễn Đức Tiến – Khoa Phòng chống Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: trên địa bàn toàn tỉnh hiện đang quản lý 37 bệnh nhân phong. Bệnh phong là bệnh lây, không phải là bệnh di truyền. Bệnh lây nhưng rất khó lây, được chữa khỏi và điều trị miễn phí; không để lại di chứng nếu phát hiện điều trị sớm, đúng theo phác đồ. Bệnh phong nhóm ít vi khuẩn (PB) điều trị theo phác đồ 6 tháng, thời gian giám sát sau khi điều trị là 3 năm. Bệnh phong nhóm nhiều vi khuẩn (MB) được điều trị theo phác đồ 12 tháng, thời gian giám sát sau khi hoàn thành điều trị là 5 năm.
Bệnh phong lây qua tiếp xúc trực tiếp với những chất xuất tiết (nước mũi, nước bọt…) lâu ngày. Bệnh có những dấu hiệu đầu tiên như dát thay đổi màu sắc trên da, rối loạn cảm giác (bệnh nhân có cảm giác “vướng mạng nhện” hay “kiến bò” ở một vùng da nào đó của cơ thể). Các triệu chứng trong thời kỳ toàn phát thường gặp ở các tổn thương da: Như dát đơn thuần gặp trong bệnh phong thể bất định; Củ gặp trong phong thể củ; dát thâm nhiễm, mảng thâm nhiễm, u phong gặp trong phong thể trung gian và thể u. Viêm dây thần kinh ngoại biên và các triệu chứng khác như rối loạn bài tiết, rối loạn dinh dưỡng… Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh thường có những di chứng tàn tật tiên phát như: mất cảm giác, teo cơ, mắt thỏ, cò các ngón tay, chân. Tàn tật thư phát xuất hiện trên cơ sở đã có tàn tật tiên phát do bàn tay, bàn chân mất cảm giác như loét, bỏng/thương tích, cụt ngón/bàn tay, bàn chân…
Về cách phòng chống và trị bệnh phong, Cục Y tế dự phòng cho biết, đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh phong. Vì vậy các biện pháp dự phòng vẫn là: Vệ sinh môi trường, ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao đề kháng của cơ thể. Do đó, khi có nghi ngờ về triệu chứng của bệnh, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh tàn tật có thể xảy ra.