Những chiến sĩ áo trắng tiên phong trên mặt trận chống dịch

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 10:52, 26/02/2021

Năm 2020 là khoảng thời gian vô cùng đặc biệt, khi cả nước gồng mình chống dịch Covid-19, thì đội ngũ y, bác sĩ là những người luôn ở nơi tuyến đầu trong cuộc chiến bảo vệ sức khỏe người dân.

Khi nhận thông tin, lập tức lên đường

“Cả nhà đang quây quần bên mâm cơm tối thì tôi nhận được thông báo của cấp trên 15 phút nữa có mặt tại đơn vị để chuẩn bị lên đường truy vết đối tượng F1 của ca bệnh dương tính với Covid-19. Đó là một trong vô vàn tình huống đột xuất mà tôi và đồng nghiệp đã trải qua trong suốt hơn một năm qua”, bác sĩ Nguyễn Ly Sắc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) tâm sự.

Các y, bác sĩ Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm điều tra, truy vết những trường hợp nghi ngờ bất kể nắng mưa

Công tác trong ngành Y tế gần 16 năm, gắn bó với công tác phòng chống dịch ngay từ những ngày đầu, như bác sĩ Nguyễn Ly Sắc cho biết, với tinh thần "chống dịch như chống giặc" và xác định đây là một dịch bệnh mới vô cùng nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh, gây tử vong cao, nên đội ngũ cán bộ, nhân viên của phòng luôn trong tư thế sẵn sàng.

Đặc biệt, dù biết khi tham gia chống dịch chắc chắn nguy cơ bị lây nhiễm rất là cao bởi là những người trực tiếp tiếp xúc với những trường hợp nghi nhiễm gần nhất nhưng hễ nhận thông tin, bất kể ngày đêm, dù mưa hay nắng, bác sĩ Sắc và đồng nghiệp sẵn sàng lên đường truy vết, điều tra dịch tễ ngay lập tức, bởi hiểu đây là trách nhiệm của những thầy thuốc với cộng đồng.

Bác sĩ Nguyễn Ly Sắc khám sàng lọc tại cộng đồng

Hỏi về những khó khăn, vất vả khi thực hiện nhiệm vụ, bác sĩ Sắc cười xòa: "Đôi khi không biết diễn tả như thế nào. Tôi nhớ thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang phức tạp thì Đắk Nông lại ghi nhận những ca bệnh bạch hầu đầu tiên. Trong bối cảnh lực lượng còn mỏng nhưng tình thế lúc đó bắt buộc chúng tôi phải chia đôi lực lượng để vừa phòng dịch Covid-19, vừa đẩy lùi bạch hầu. Lúc đó chỉ biết phải gồng mình cố gắng, anh em tự động viên nhau phải nhanh chóng điều tra, truy vết, khoanh vùng kịp thời để tránh được dịch chồng dịch, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân".

Bác sĩ nhi khoa điều trị cho bệnh nhi nhiễm bạch hầu ở khu cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Quyết tâm đẩy lùi bạch hầu

Dịch bạch hầu bùng phát tại Đắk Nông từ tháng 6/2020, toàn tỉnh ghi nhận 14 ổ dịch bạch hầu với 39 trường hợp nhiễm bệnh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận cách ly, điều trị khỏi cho 31 trường hợp. Điều đặc biệt ở đây, các ca bệnh bạch hầu đều là trẻ em ở những xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn nên có 2 trường hợp khi đưa đến viện đã quá muộn.

Bác sĩ Vũ Thị Nhịn, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh)-người trực tiếp tham gia điều trị cho các em nhỏ cho biết: “Trong hơn 16 năm hành nghề tại Đắk Nông, chưa năm nào tôi gặp phải ca bệnh bạch hầu. Đặc biệt, khi có 2 trường hợp khi đến bệnh viện đã quá trễ, bệnh diễn tiến theo hướng xấu vô cùng nhanh, mặc dù đã chuyển ngay lên tuyến trên nhưng vẫn không thể cứu được 2 cháu. Điều này khiến tôi day dứt mãi vì lực bất tòng tâm”.

Đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao khi tiếp xúc gần các trường hợp nghi ngờ Covid-19 trong quá trình lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm

Trước sự ra đi thương tâm của 2 em nhỏ, bác sĩ Nhịn cùng đồng nghiệp hạ quyết tâm phải điều trị bằng được các ca bệnh bạch hầu. Bác sĩ Nhịn kể: “Trực tiếp tham gia điều trị bạch hầu cho các em nhỏ tại khu cách ly, khi có những ca bệnh nặng nhập viện, chúng tôi gần như mất ăn, mất ngủ. Thậm chí, chúng tôi gọi điện trao đổi với tuyến trên hàng giờ đồng hồ để tìm ra phác đồ điều trị hợp lý, hiệu quả nhất đối với từng ca bệnh, quyết không để xảy ra trường hợp đáng tiếc nào nữa”.

Mong người dân mở lòng, tin tưởng hơn

Năm qua có thể khẳng định là một năm với nhiều cảm xúc, nhiều cung bậc của đội ngũ y, bác sĩ tham gia công tác phòng chống dịch nói riêng và toàn ngành Y tế Đắk Nông nói chung. Đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ nỗ lực chống dịch, mang trên vai trọng trách nặng nề, bảo vệ sức khỏe người dân, để lại những dấu ấn đậm nét, song không tiếng phàn nàn, thở than.

Các y, bác sĩ đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm trên con đường đưa vắc xin bạch hầu đến tiêm phòng cho bà con vùng sâu

Bác sĩ Trần Quang Hào, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tâm sự: “Trong thời chiến, những chiến sĩ đi đầu trên mặt trận chống giặc ngoại xâm thì hiện tại trước bối cảnh dịch bệnh hoành hành, đội ngũ y, bác sĩ chúng tôi cũng có thể xem là chiến sĩ áo trắng tiên phong trên mặt trận chống dịch để bảo vệ sức khỏe người dân.

Năm qua, chúng ta đã có quá nhiều mất mát bởi dịch bệnh nhưng không thể phủ nhận được nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác ngăn chặn dịch Covid 19 xâm nhập vào địa phương, cũng như sự quyết tâm, cố gắng trong việc dập tắt dịch bạch hầu. Đó là niềm vui, hạnh phúc của những người thầy thuốc và cũng chỉ mong người dân hãy mở lòng, sẻ chia hơn nữa với những khó khăn và sự cố gắng của ngành Y tế tỉnh trong suốt thời gian qua, đặt niềm tin hơn nữa”.

Ngô Đồng