Xây dựng “pháo đài” phòng, chống dịch (kỳ cuối): "Pháo đài" vững để phòng, chống dịch hiệu quả

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 08:50, 24/09/2021

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, cùng với quyết tâm, nỗ lực thực hiện được mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh, cấp ủy, chính quyền cũng cần phải chuẩn bị các biện pháp thích ứng lâu dài, do các biến thể mới rất nguy hiểm của vi rút gây ra trên phạm vi toàn cầu.

Đi vào thực tiễn

Thời gian qua, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến các huyện, xã luôn thể hiện sự bình tĩnh, quyết đoán bằng việc triển khai nhanh chóng, khẩn trương các giải pháp, biện pháp mang tính thần tốc để có thể nhanh chóng khống chế, kiểm soát được dịch bệnh.

Mặc dù có những thời điểm dịch bệnh bùng phát ở nơi này, nơi nọ nhưng Đắk Nông luôn được đánh giá là đã đi đúng hướng trong công tác phòng, chống dịch.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người tỉnh Đắk Nông, từ thực tế chống dịch ở các địa phương, việc thực hiện chủ trương “Lấy xã, phường, thị trấn là "pháo đài", người dân là "chiến sĩ", là trung tâm, chủ thể để phòng, chống dịch” phải thực sự đi vào thực tiễn chống dịch hiện nay.

Bởi vì, ở các địa phương vẫn bộc lộ hạn chế đó là tình trạng xe "luồng xanh" đi vào địa bàn tỉnh, gây bùng phát dịch. Vì vậy, người dân cần phải hiểu rõ mối nguy hiểm của dịch bệnh, qua đó tuân thủ nghiêm túc các quy định, biện pháp phòng dịch. Các tổ Covid-19 cộng đồng cần phát huy vai trò trong việc vận động, giám sát từng người dân, cộng đồng thì mới phát huy cao nhất hiệu quả phòng, chống dịch.

Theo thống kê, hiện nay các địa phương đã thành lập được 1.210 tổ Covid-19 cộng đồng tại 713 thôn, bon, tổ dân phố, thu hút 5.136 người tham gia. Các tổ Covid-19 cộng đồng được xem là lực lượng hùng hậu ngay tại cơ sở, đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ", có sự đóng góp quan trọng trong việc giúp đội ngũ cán bộ y tế chuyên môn rất nhiều công việc liên quan đến công tác điều tra, truy vết, xét nghiệm.

Khi có dịch xuất hiện, lực lượng chức năng, cơ quan chuyên môn luôn tăng cường các biện pháp truy vết, lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Trong đó, sự đồng lòng, trách nhiệm của người dân ở vùng dịch mới bảo đảm cho các biện pháp đưa ra được thực hiện đạt kết quả cao nhất.

Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại xã Quảng Tín (Đắk R'lấp)

Cấp ủy, chính quyền, lòng dân cùng vững

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, khó lường, nên nguy cơ bùng phát dịch luôn hiển hiện. Do đó, vấn đề kiểm soát dịch, chặn đứng nguồn lây, giảm đà gia tăng các ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Trao đổi về thực hiện chủ trương “xây dựng “pháo đài” phòng, chống dịch”, đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định: "Trong bối cảnh tỉnh còn khó khăn, tiềm lực kinh tế chưa mạnh, thời gian qua, công tác phòng, chống dịch của tỉnh còn theo kiểu “con nhà nghèo”. Mặc dù vậy, quan điểm của tỉnh là luôn ưu tiên mọi nguồn lực cần thiết cho công tác phòng, chống dịch nhưng phải biết tiết kiệm.

Với thực tế của tỉnh, việc xây dựng “pháo đài” phòng, chống dịch là hết sức cần thiết, bên cạnh hệ thống chính trị thì phải huy động mọi nguồn lực trong dân. Người dân không những biết chia sẻ khó khăn chung của tỉnh, địa phương mà còn phải thể hiện tinh thần sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền các cấp, đồng lòng phòng, chống dịch. “Pháo đài” vững, nghĩa là cấp ủy, chính quyền, lòng dân cùng vững thì mới có thể phòng, chống dịch hiệu quả, lâu dài, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội".

Với tinh thần đó, Ban Chỉ đạo tỉnh đã xác định, việc triển khai công tác phòng, chống dịch phải luôn trên tinh thần khẩn trương, hiệu quả, thực chất và mục tiêu là hướng đến xây dựng Đắk Nông trở thành “vùng xanh”. Trong đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần kêu gọi, vận động người dân không những nâng cao ý thức, tuân thủ chặt các biện pháp phòng, chống dịch mà còn tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch ngay tại chính thôn, bon, bản, tổ dân phố của mình.

Người dân xã Đắk Ru (Đắk R'lấp) đóng góp công của, hàng ngày phục vụ các bữa ăn cho lực lượng tuyến đầu và bà con đang thực hiện cách ly

Phát huy sức mạnh cộng đồng

Hiệu quả cao nhất của việc xây dựng “pháo đài” chính là phát huy sức mạnh cộng đồng mà bắt đầu từ việc người dân nâng cao hơn nữa ý thức tự giác, có sự quyết tâm mạnh mẽ trong việc bảo vệ sự an toàn cho chính gia đình mình và cho cộng đồng.

Các khu dân cư cần tổ chức tốt việc khai báo y tế, kiểm soát chặt chẽ người từ vùng tâm dịch trở về. Người dân tự giác quản lý, bảo ban, nhắc nhở lẫn nhau tuân thủ các quy định phòng, chống dịch trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, hạn chế tiếp xúc khi không cần thiết, nhất là bảo đảm 5K.

Bên cạnh đó, các địa phương cần có phương án vận động các nguồn lực, chuẩn bị lương thực, thực phẩm hỗ trợ người dân trong các khu vực bị phong tỏa, giúp đồng bào yên tâm “ai ở đâu ở đó” và có trách nhiệm phối hợp, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Cùng với nguồn lực của địa phương, các cấp chính quyền cần huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, hoạt động thiện nguyện, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.

Các địa phương phải chủ động bảo đảm nhân lực, cơ sở vật chất theo phương châm “4 tại chỗ” để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là tại các địa phương thực hiện tăng cường giãn cách xã hội.

Giãn cách xã hội là yếu tố quyết định để hạn chế tối đa lây nhiễm dịch bệnh, nên phải thực hiện nghiêm, kịp thời việc cách ly nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, không để “chặt ngoài lỏng trong”. Lúc đó, cơ quan chuyên môn, lực lượng chức năng mới có thể tranh thủ thời gian "vàng” để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể, không để dịch bệnh lây lan.

Xây dựng, bảo vệ và giữ cho được “pháo đài” để phòng, chống dịch thành công, mang lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân và chính người dân mới có thể giữ vững “pháo đài” bằng sự quyết tâm, đồng lòng của cả cộng đồng.

Tường Nhiên