Cư Jút khẩn trương ứng phó dịch sốt xuất huyết
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 05:24, 11/08/2022
Người dân còn chủ quan
Chị Hoàng Thị Hiền, xã Ea Pô cho biết gần 2 tuần trước chị có biểu hiện sốt không dứt, ớn lạnh từng cơn thấy mệt mỏi nên đã đến Trung tâm y tế huyện khám cho kết quả dương tính với SXH. “Nhờ chủ động thăm khám và điều trị sớm nên hiện tại sức khỏe của tôi đã hồi phục và may mắn không lây bệnh SXH cho người nhà” chị Hiền nói.
Không giống như chị Hiền, gia đình ông Nguyễn Thanh P ở xã Nam Dong bị mắc SXH gần hết các thành viên trong gia đình. Ông P chia sẻ: “Do chủ quan cứ nghĩ mình bị cảm sốt thông thường nên tôi chỉ điều trị tại nhà. Tuy nhiên, những cơn sốt liên hồi không giảm nên đi khám và nhập viện điều trị ngay sau khi có kết quả xét nghiệm SXH. 4 người còn lại của gia đình tôi cũng đã mắc SXH, nhưng may mắn nhập viện điều trị kịp thời nên sức khỏe đã tương đối ổn định”.
Dọn dẹp vệ sinh diệt loăng quăng/bọ gậy để phòng SXH |
Ý thức phòng dịch là quan trọng nhất
Theo Trung tâm Y tế huyện Cư Jút, từ đầu năm đến nay toàn huyện ghi nhận 235 trường hợp mắc SXH tại 27 ổ dịch, tăng hơn 200 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021.
Theo bác sĩ Bùi Thị Minh Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cư Jút, nguyên nhân SXH tăng là do hiện nay thời tiết mưa nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho bệnh SXH cũng như nhiều bệnh truyền nhiễm khác phát triển. Bởi mưa làm nước ứ đọng ở nhiều vị trí thuận lợi cho muỗi đẻ trứng, phát triển thành bọ gậy và muỗi trưởng thành phát triển nhanh chóng.
Hiện, ngành y tế địa phương đã khẩn trương xử lý các ổ dịch theo quy định cụ thể phun hóa chất và kết hợp diệt loăng quăng/bọ gậy.
Ghi nhận tại xã Nam Dong, địa phương có số ca mắc SXH nhiều nhất huyện, với 124 trường hợp. Theo Trưởng Trạm Y tế xã Nông Văn Cường thì ngay khi nhận được tin báo hệ thống ghi nhận một ca bệnh SXH trên địa bàn, lực lượng y tế địa phương lập tức đến tận gia đình để điều tra, xác minh và hỗ trợ người dân nếu cần.
Trường hợp có nhiều bệnh nhân thì tiến hành các biện pháp điều tra liên quan để xác minh đó có phải là ổ dịch hay không. Nếu là ổ dịch thì tổ chức dọn vệ sinh, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh, giám sát bệnh nhân và trung gian truyền bệnh với muỗi trưởng thành, bọ gậy. Địa phương cũng đã tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy và tuyên truyền về bệnh SXH tại địa phương...
“Quan trọng nhất để phòng, chống dịch SXH là ý thức của người dân. Cụ thể, người dân cần chủ động vệ sinh môi trường; mang quần áo dài tay, bôi thuốc chống muỗi đốt, mắc mùng khi ngủ; thường xuyên đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước; tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi mắc SXH, người bệnh cần nằm viện điều trị, theo dõi sức khỏe. Người bệnh nếu có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm thì phải chuyển lên tuyến trên để điều trị”, bác sĩ Nghĩa nhấn mạnh.