Phát triển dịch vụ nông nghiệp để phục vụ sản xuất bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 09:41, 21/11/2013

ể xây dựng một nền nông nghiệp đạt chất lượng cao và có tính bền vững thì cần thiết phải tập trung phát triển các loại hình dịch vụ nông nghiệp. Trong đó, các khâu quan trọng như cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... là yếu tố then chốt.

 “Đầu vào” cho cây công nghiệp ngắn ngày chưa được chú trọng

Từ nhiều năm nay, khi nhắc đến dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, hầu như các ngành chuyên môn, các doanh nghiệp lẫn nông dân đều chú trọng đến các loại cây trồng như cà phê, cao su, hồ tiêu…, chứ chưa quan tâm nhiều đến cây công nghiệp hàng năm và cây thực phẩm. Vì vậy, hầu hết diện tích các loại cây công nghiệp hàng năm như đậu nành, đậu phụng, mía, bông vải… đang có xu hướng sụt giảm. Cụ thể như cây đậu nành năm 2005 là 15.371 ha thì đến năm 2013 chỉ còn 5.660 ha; cây đậu phụng cũng từ 7.921 ha, giảm xuống còn 3.924 ha…

Giống là một trong những khâu then chốt trong các loại hình dịch vụ nông nghiệp. (Trong ảnh: Vườn ươm giống khoai lang Tuy Đức). Ảnh: Phan Tuấn

Nguyên nhân của tình trạng trên là do tình hình sản xuất cây công nghiệp hàng năm chưa được chú trọng ở khâu “đầu vào”, nhất là chưa làm tốt khâu dịch vụ nông nghiệp. Do đó, hầu hết các giống cây công nghiệp hàng năm ngày càng bị thoái hóa, năng suất giảm dần. Qua thực tế sản xuất cũng cho thấy, khi có một loại cây trồng có giá thì nông dân đổ xô vào trồng, làm mất cân đối trong sản xuất nông nghiệp.

Ngoài các dịch vụ về giống thì thị trường thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cũng hết sức đáng lo ngại. Do một số doanh nghiệp, đại lý vì lợi nhuận nên không tuân thủ các quy định về giá, cùng một sản phẩm phân bón, nhưng mỗi nơi bán một giá khác nhau. Mặt khác, có trường hợp đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật bị làm giả, nhái nhãn mác khiến cho việc sản xuất của nông dân bị thiệt hại.

Tăng cường quản lý, giám sát

Theo ngành Nông nghiệp tỉnh thì trước thực tế đó, thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến 2020, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp như: cung cấp giống cây trồng; khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng thủy nông đảm bảo các dịch vụ tưới tiêu cho nông dân...

Bên cạnh đó, các huyện cũng đã khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động dịch vụ nông nghiệp như chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tư vấn các mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao...

Ðồng thời, việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, củng cố và phát triển hệ thống các trạm, trung tâm chuyển giao kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp cũng được các địa phương quan tâm.

Các huyện Ðắk Mil, Chư Jút, Krông Nô… đã xây dựng lộ trình hợp tác với các viện, trường đại học, các cơ quan khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp, nhằm thu hút các nguồn lực về khoa học công nghệ, nguồn vốn để khơi dậy tiềm năng phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao của địa phương.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tích cực hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng kỹ thuật canh tác, tăng cường công tác khuyến nông, xây dựng các câu lạc bộ khuyến nông. Các ngành nghề phi nông nghiệp, các loại dịch vụ trong nông nghiệp như cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các vật tư nông nghiệp, các dịch vụ kỹ thuật, thú y…cũng đang được chú ý phát triển.

Tuy nhiên, nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ kịp thời các loại vật tư có chất lượng cao cho nông dân, các cấp, ngành chuyên môn cần tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ nông nghiệp. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, giống vật nuôi, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cần đặt dưới sự kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần chú trọng nhiều hơn đến việc tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa “bốn nhà”, góp phần giúp sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững.

Văn Tâm