Nhiều dự án chậm triển khai do thiếu vốn

Kinh tế - Ngày đăng : 09:37, 07/05/2014

Hàng loạt dự án mang tính trọng điểm, cấp bách nhưng hiện đang phải tạm ngưng hoặc triển khai với tiến độ cầm chừng vì thiếu vốn. Đây là thực trạng chung trong lĩnh vực đầu tư của tỉnh và đang cần có những chính sách cụ thể từ phía Trung ương để cải thiện tình hình.

Dự án đang... "nằm trên giấy"

Thực hiện Quyết định số 1776/QĐ-TTg, ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ, đầu năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án quy hoạch, sắp xếp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn đến năm 2020. Tổng mức đầu tư của toàn dự án là 1.059 tỷ đồng, với kế hoạch bố trí, sắp xếp 13.628 hộ dân trên địa bàn.

Dự án Đường Bắc - Nam giai đoạn II đang phải tạm dừng vì chưa có vốn

Mặc dù dự án đã được Chính phủ chấp thuận nhưng ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh rất ít, chỉ khoảng 6 tỷ đồng/năm. Vì vậy, dự án trên triển khai rất chậm, hàng loạt công trình dở dang vì thiếu vốn nên không thể bố trí, sắp xếp được dân cư.

Chỉ đơn cử như Dự án ổn định dân di cư tự do xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) mặc dù là dự án cấp bách và đã được Bộ Kế hoạch - Đầu tư thẩm định nguồn vốn với tổng mức đầu tư là 122 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn đang “nằm trên giấy” vì chưa được Trung ương bố trí vốn để triển khai thực hiện.

Hoặc như Dự án xây dựng nhà máy luyện nhôm tại Nhân Cơ (Đắk R’lấp) hiện cũng đang rơi vào tình trạng “giẫm chân tại chỗ” vì chưa có vốn bố trí giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư triển khai thi công.

Được biết, Dự án này do Công ty TNHH Thương mại Trần Hồng Quân làm chủ đầu tư với tổng diện tích sử dụng đất dự kiến khoảng 114 ha, công suất 300.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư sau thuế là hơn  7.069 tỷ đồng. Dự án này có tầm quan trọng đặc biệt trong việc bước đầu xây dựng ngành công nghiệp luyện nhôm, sử dụng có hiệu quả nguồn bô xít, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo công ăn việc làm… đóng góp đáng kể cho sự phát triển của tỉnh Đắk Nông và cả vùng Tây Nguyên theo đúng chủ trương chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Thế nhưng, do kinh phí đầu tư giải phóng mặt bằng quá lớn, trong khi điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn chế nên nếu không có sự hỗ trợ từ phía Trung ương thì việc giải phóng mặt bằng rất khó thực hiện. Theo UBND tỉnh, trên cơ sở cân đối ngân sách hàng năm của tỉnh, để giải phóng mặt bằng phục vụ dự án này, trong năm 2014, Đắk Nông cần Trung ương hỗ trợ ít nhất khoảng 150 tỷ đồng thì mới đủ vốn thực hiện.

Hàng loạt dự án trọng điểm khác hiện cũng đang “nằm trên giấy” vì chưa được bố trí vốn như Dự án nâng cấp đô thị Gia Nghĩa theo các danh mục đăng ký đã được phê duyệt giai đoạn 2010-2015 với số vốn 2.862 tỷ đồng; Đề án kiên cố trường, lớp học và nhà công vụ giai đoạn II với tổng mức đầu tư theo dự toán 120 tỷ đồng nhưng đến nay cũng chưa được Trung ương bố trí vốn nên chưa thể triển khai.

Cần có chính sách đầu tư đặc thù

Dù biết việc thực hiện các dự án nêu trên sẽ góp phần tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng nhưng trong điều kiện nguồn thu hàng năm của tỉnh mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu về chi thì việc ưu tiên nguồn vốn, nhất là nguồn vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm, mang tính đặc thù từ phía Trung ương là rất cần thiết. Vậy nhưng, không chỉ những dự án quan trọng của tỉnh mà kể cả những dự án có tính đặc thù hiện cũng đang có nhu cầu về vốn đầu tư khá lớn.

Cụ thể như thực hiện Quyết định số 482/QĐ-TTg ngày 14/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia, tỉnh ta đã xây dựng Đề án đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực biên giới đến năm 2015, với tổng mức đầu tư 405 tỷ đồng nhưng hiện nay chưa có nguồn vốn để triển khai thực hiện.

Trong khi đó, Đắk Nông có 130 km đường biên giới với Campuchia, thuộc địa bàn 7 xã, nằm trên 4 huyện, địa hình chia cắt phức tạp, phân bố dân cư không đều, giao thông đi lại khó khăn nên đang rất cần được đầu tư về hạ tầng giao thông.

Theo UBND tỉnh, để triển khai đề án, trong năm 2014, ít nhất tỉnh cũng cần Trung ương hỗ trợ khoảng 77 tỷ đồng. Cũng theo văn bản số 503/TTg-KTN ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã phê duyệt các dự án trọng điểm về đầu tư xây dựng 3 tuyến trường trọng điểm gồm: Đường Đắk Song - Đắk Nang (Krông Nô); đường Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp) đi Quảng Khê (Đắk Glong) và Dự án nâng cấp, mở rộng đường đi cửa khẩu Bu Prăng với tổng kinh phí khoảng 2.252 tỷ đồng… nhưng đến nay vẫn chưa được Trung ương bố trí vốn để thực hiện.

Theo UBND tỉnh, việc thực hiện chủ trương thắt chặt đầu tư công để khuyến khích lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân phát triển, hạn chế nợ công của Chính phủ thời gian qua là rất hợp lý. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần có chính sách rõ ràng hơn trong việc phân khai nguồn vốn đầu tư nhằm ưu tiên vốn đầu tư đối với các dự án mang tính cấp bách, đặc thù, nhất là những dự án mang tính chiến lược.

Việc xác lập chính sách đầu tư đặc thù không chỉ từng bước tập trung ưu tiên giải quyết những “điểm nóng” chiến lược mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ những khu vực khó khăn, vùng biên giới phát triển kịp với những vùng có điều kiện thuận lợi hơn, góp phần rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, nâng cao mặt bằng dân trí giữa các vùng, khu vực.  

Đức Diệu