Sản xuất vụ đông xuân: Nông dân chủ động xuống giống, chăm sóc hiệu quả cây trồng
Kinh tế - Ngày đăng : 09:51, 22/01/2015
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thì đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng được gần 6.813 ha các loại cây trồng, đạt 70,04% kế hoạch; trong đó, lúa nước là 3.064 ha, ngô: 2.183 ha, khoai lang: 504 ha và 100 ha đậu đỗ, rau màu các loại.
Người dân xã Đức Xuyên (Krông Nô) chăm sóc lúa vụ đông xuân |
Bên cạnh những vùng có đủ nước cho sản xuất thì ở một số nơi nguồn nước không thuận lợi cho việc gieo cấy lúa, người dân đã mạnh dạn đưa cây ngô lai, khoai lang vào chuyển đổi cây trồng nên diện tích tăng đáng kể. Điển hình như huyện Krông Nô, diện tích khoai lang ở chân ruộng khan hiếm nước đã tăng trên 308 ha, Đắk Song cũng có kế hoạch xuống giống 500 ha khoai lang...
Về giống lúa, nông dân tiếp tục sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng trung và ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, trong đó, phổ biến vẫn là các giống Nhị ưu 838, Nghi hương 2308, BT- E1, HR 182, SYN6, TH 3 – 3, VT 404…
Ngoài ra, tại những cánh đồng có khả năng thâm canh cao, bà con sử dụng các giống lúa thuần, lúa lai để sản xuất lúa thương phẩm hiện cũng đang sinh trưởng, phát triển khá tốt. Nhằm hạn chế những thiệt hại do hạn hán gây ra, các cấp chính quyền địa phương cũng sớm chủ động hướng dẫn nhân dân tiến hành khơi thông kênh mương, thực hiện điều tiết, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nước để tăng kéo dài thời gian tích nước trong các hồ đập nên hạn chế tình trạng thiếu hụt nguồn nước.
Đến thời điểm này, lượng nước ở hầu hết các hồ chứa hiện có ở các vùng sản xuất vụ đông xuân trọng điểm dự tính có khả năng cung cấp đủ nước tưới cho cây trồng trong những tháng tiếp theo. Hiện tại, diện tích lúa đông xuân đang ở giai đoạn lúa non, đẻ nhánh, bà con nông dân đang tiếp tục chăm sóc, theo dõi diễn biến dịch bệnh để kịp thời áp dụng các biện pháp xử lý.
Theo nhận định của ngành Nông nghiệp thì vụ đông xuân 2014-2015 đến thời điểm này đang diễn biến khá thuận lợi. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ thay đổi bất thường nên nhiều nơi đã phát sinh một số loại sâu bệnh hại trên cây lúa nước; trong đó chủ yếu là bệnh đạo ôn lá, bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, chuột… gây hại rải rác, có chiều hướng gia tăng, nhất là huyện Krông Nô, Đắk R’lấp, Tuy Đức...
Bên cạnh đó, mặc dù nguồn nước hiện tại đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất nhưng không loại trừ khả năng sẽ xảy ra tình trạng hạn hán vào cuối vụ. Vì vậy, các cấp chính quyền và nhân dân cần tiếp tục tập trung tăng cường các biện pháp chăm sóc cây trồng, phòng chống hạn, sâu bệnh đảm bảo vụ đông xuân đạt kết quả cao.
Theo đó, chính quyền các địa phương, các ngành chức năng cần thường xuyên phân công cán bộ về cơ sở nhằm đôn đốc các xã chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện tốt việc đầu tư chăm sóc, bón phân, làm cỏ để cây trồng trong vụ phát triển tốt, có sức đề kháng với dịch bệnh và những diễn biến bất thuận của thời tiết.
Cán bộ chuyên môn kỹ thuật tăng cường bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết khô hạn, sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại có thể xảy ra. Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, bảo vệ, quản lý tốt các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương để thực hiện tốt việc điều tiết nước, cân đối, sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn nước tưới.