Phòng chống bệnh cho đàn vật nuôi trong mùa mưa: Đắk Glong chú trọng công tác tuyên truyền cho người dân

Kinh tế - Ngày đăng : 10:15, 11/05/2015

Theo anh Bùi Xuân Tịnh, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Đắk Glong thì hiện nay, địa phương có gần 5.000 con gia súc, gia cầm các loại, được chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ, phân tán.

Trước thực tế này, huyện luôn chủ động trong công tác phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; trong đó chú trọng đến công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân, tích cực vận động nhân dân tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại và xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Trạm đã cấp phát gần 270 lít hóa chất cho người dân để thực hiện tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại. 

Cán bộ thú y xuống trực tiếp các hộ gia đình đồng bào dân tộc ở xã Quảng Khê để tuyên truyền cách phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi

Quảng Khê có tổng đàn gia súc, gia cầm khá lớn, gần 1.000 con nên công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi luôn được chính quyền địa phương rất mực quan tâm.

Anh K’Bri, cán bộ thú y xã Quảng Khê cho biết: “Biện pháp xuyên suốt luôn được địa phương chú trọng đó là phối hợp với các đoàn thể, thôn, bon tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về tầm quan trọng của công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Việc hướng dẫn các hộ chăn nuôi tiến hành các biện pháp như quét dọn, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ, thường xuyên rắc vôi bột cũng luôn được cán bộ thú y hướng dẫn cho bà con thực hiện. Đối với những hộ đồng bào ở xa trung tâm, cán bộ thú y xuống trực tiếp từng gia đình để thống kê tổng đàn để vừa tiêm vắc xin, vừa đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Cũng nhờ vậy, thời gian gần đây, hầu hết các hộ chăn nuôi trên địa bàn đã nâng cao ý thức, chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi”.

Bà H’Miêng, ở thôn 9, xã Quảng Khê cho hay: “Những năm gần đây, gia đình tôi đầu tư kinh phí để chăn nuôi heo. Với việc luôn duy trì nuôi hơn 20 con heo thịt, hàng năm, tôi rất chú trọng đến cách chăm sóc, phòng bệnh. Ngoài việc tiêm vắc xin, vệ sinh chồng trại, gia đình tôi còn được cán bộ thú y hướng dẫn cách chuẩn bị bổ sung thức ăn tinh như cám gạo, bột ngô, cây chuối… để đàn heo tăng sức đề kháng”.

Tương tự, toàn xã Đắk Som hiện cũng có hơn 600 con vật nuôi các loại. Để đảm bảo an toàn, cũng như tăng thêm số đàn vật nuôi, địa phương cũng đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, cũng như hướng dẫn người dân quy trình phòng chống dịch bệnh.

Theo cán bộ thú y xã Đắk Som thì cứ định kỳ hàng tháng, đội ngũ cán bộ thú y xã tổ chức xịt thuốc sát trùng để vệ sinh chuồng trại, cũng như hướng dẫn người dân cách giữ gìn vệ sinh cho đàn vật nuôi. Đối với những nơi có nguy cơ dịch bệnh cao như trang trại, các lò mổ… cán bộ thú y xã ra sức tuyên truyền, vận động để chủ hộ, chủ lò mổ thực hiện việc tiêm phòng, vệ sinh theo đúng quy định, nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan.

Anh Bùi Xuân Tịnh cho biết thêm: “Hiện tại, mùa mưa sắp đến gần, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Đội ngũ thú y cơ sở sẽ thường xuyên theo dõi, kiểm tra địa bàn phụ trách, khi phát hiện gia súc, gia cầm ốm sẽ thông báo ngay với cấp trên để phát hiện, dập dịch kịp thời. Ngay khi có văn bản, số lượng vắc xin cấp trên phân bổ, địa phương sẽ tiến hành tiêm cho đàn vật nuôi theo đúng thời gian, quy trình. Tuy nhiên, để  làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, ngoài nỗ lực của đội ngũ cán bộ thú y, cần có sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt ý thức của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh xâm nhập vẫn đóng vai trò then chốt”.

Nguyễn Lương