Những kết quả bước đầu về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ

Kinh tế - Ngày đăng : 10:22, 21/07/2015

Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 206 công trình thủy lợi vừa và nhỏ; trong đó có 201 công trình hồ đập, 3 trạm bơm và 2 kênh tiêu. Việc đầu tư các công trình thủy lợi đã góp phần tăng nhanh diện tích đất sản xuất nông nghiệp cũng như sản lượng lương thực và giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 với nhiều lĩnh vực được quan tâm đầu tư, trong đó, hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp được xem là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu. Do đó, trong những năm qua, hạ tầng thủy lợi của tỉnh đã có những bước phát triển đáng kể.

Ngoài việc xây dựng mới các công trình thủy lợi, việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình, kiên cố hóa các kênh mương cũng luôn được chú trọng. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 206 công trình thủy lợi vừa và nhỏ; trong đó có 201 công trình hồ đập, 3 trạm bơm và 2 kênh tiêu. Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã sửa chữa 35 công trình và xây dựng mới 19 công trình thủy lợi. Tỷ lệ cây trồng được tưới từ các công trình thủy lợi đạt 85% với diện tích lúa được quy hoạch và khoảng 35% đối với diện tích cà phê, hồ tiêu và các loại cây trồng cạn khác.

Hệ thống mương dẫn nước ở xã Buôn Choáh (Krông Nô) được đầu tư xây dựng tạo điều kiện cho người dân tăng gia, sản xuất. Ảnh: Thanh Nga

Việc đầu tư các công trình thủy lợi đã góp phần tăng nhanh diện tích đất sản xuất nông nghiệp cũng như sản lượng lương thực và giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm. Không những thế, việc đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các công trình thủy lợi còn góp phần đưa diện tích nuôi trồng và sản lượng thủy sản tăng bình quân 10%/năm. Cụ thể, năm 2010, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên toàn tỉnh là 915 ha thì đến năm 2014 là 1.261 ha.

Bên cạnh đó, từ đầu năm 2012 đến nay, qua nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh cũng đã triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án về phát triển hạ tầng nông thôn và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với mục tiêu phát triển toàn diện giao thông nông thôn để tạo đà cho các tiêu chí khác phát triển đã và đang là hướng đi phù hợp ở các địa phương trong tỉnh. Theo đó, đến nay, toàn tỉnh đã cứng hóa được gần 800/1.037 km đường trục xã, liên xã; hơn 954/1.830 km đường liên thôn, xóm; 1.262/2.440 km ngõ xóm, xóm, 361/1.220 km đường trục chính nội đồng…

Theo đánh giá của Sở Giao thông - Vận tải thì hạ tầng giao thông của tỉnh trong những năm qua phát triển khá đồng bộ, liên hoàn, đáp ứng nhu cầu phục vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách, góp phần quan trọng trong phục vụ đời sống sản xuất, giữ vững an ninh quốc phòng tại địa phương. Đối với việc phát triển hạ tầng thương mại, tỉnh luôn tạo điều kiện thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại theo quy hoạch, nhất là hệ thống chợ, siêu thị ở nông thôn. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú ý đến việc triển khai quy hoạch và xây dựng chợ ở xã theo tiêu chí nông thôn mới, chuyển đổi mô hình quản lý chợ xã, khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia nâng cấp các chợ để quản lý kinh doanh. Nhằm đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, tỉnh cũng có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức các trạm thu mua nông sản, mở các đại lý, phát triển hợp tác xã dịch vụ, thương mại ở nông thôn. Bên cạnh đó,  tỉnh cũng tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia, tổ chức các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh góp phần quảng bá hình ảnh, thu hút đầu tư…

Văn Tâm